Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân.
|
Trong xã hội hiện nay, người phụ nữ ngoài việc thực hiện thiên chức của mình ở gia đình còn phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có tri thức, có trình độ, năng lực làm việc, có các kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động trong xã hội.
Đối với EVN, lao động nữ đã tham gia vào tất cả ngành nghề, từ những việc nặng nhọc như trực tiếp tham gia vào dây chuyền sản xuất, truyền tải, phân phối điện, giám sát thi công, quản lý dự án, đến các công việc có tính nghiệp vụ như tài chính kế toán, tổ chức nhân sự... đến các công việc đòi hỏi một trình độ kỹ thuật nhất định như thiết kế, điều độ, vận hành hệ thống điện...
Nhiều chị em năng nổ nhiệt tình, dấn thân vào công việc có khi họ quên mất mình là phụ nữ. Không chỉ vậy, nhiều chị em còn có tinh thần đổi mới sáng tạo, chịu khó nghiên cứu, có nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến; thời gian qua đã có nhiều đề tài, giải pháp của chị em được công nhận và áp dụng thành công vào sản xuất kinh doanh và quản lý tại các đơn vị và tập đoàn, đã có nhiều gương nữ điển hình tiên tiến được tuyên dương.
Tuy nhiên, điều chúng ta ai cũng nhìn thấy là có khá ít phụ nữ nắm giữ các vị trí cán bộ lãnh đạo quản lý. Hiện chỉ có 12,92% cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trong EVN là nữ. Vấn đề bình đẳng giới từ lâu đã có các quy định nhưng thực tế nữ giới vẫn là thiểu số, vẫn "đếm trên đầu ngón tay". Đó là thiệt thòi cho chị em.
Điều đó xuất phát chủ yếu từ hai nguyên nhân sau: Thứ nhất, không nhiều cấp lãnh đạo quan tâm đến sự phát triển cán bộ nữ. Theo tôi cần xem xét có tỷ lệ cứng hơn về cơ cấu nữ. Ví dụ yêu cầu không ít hơn 15% cán bộ nữ trong danh sách quy hoạch thì phải đưa ra các cách thức để đảm bảo tỷ lệ này. Ví dụ nếu thực tế tại chỗ không đủ người thì yêu cầu báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét đưa cán bộ nữ ở đơn vị, bộ phận cùng cấp khác trong cùng đơn vị, công ty, tổng công ty, cùng tập đoàn vào quy hoạch cho đủ. Tương tự về tỷ lệ nữ trong hàng ngũ lãnh đạo quản lý, nếu người tại chỗ không có thì lấy cán bộ nữ trong quy hoạch cấp tương đương trở lên đưa vào danh sách để tiến hành các quy trình lựa chọn và trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm. Việc này phải xây dựng thành quy chế, thực hiện công khai minh bạch, các bộ phận làm công tác cán bộ phải tổ chức kiểm tra giám sát thường xuyên.
Thứ hai xuất phát từ chính nữ giới. Ngoài việc phải tích cực, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, nữ giới cũng cần tự tin, thể hiện năng lực của mình. Nếu mình an phận thủ thường, coi nhẹ công việc được giao, xao nhãng, không giải quyết đến nơi đến chốn, đi trễ về sớm, tranh thủ làm việc nhà trong giờ làm việc... thì làm sao xứng đáng để phát triển làm lãnh đạo. Nếu tự mình thấy mình nhỏ bé, thiếu tự tin, thu mình lại trước đám đông... thì làm sao quần chúng tin tưởng ở mình, làm sao trở thành người lãnh đạo quản lý để dẫn dắt người khác.
Công bằng mà nói nữ giới vốn thiệt thòi hơn nam giới, quỹ thời gian ít hơn nam giới vì chị em còn phải đảm nhận vai trò làm vợ, làm mẹ. Cho nên, bên cạnh sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ngoài sự nỗ lực vươn lên của bản thân chị em, nam giới nếu không thể ưu ái thì hãy đối xử một cách công bằng với nữ giới, để chị em có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngành và cho xã hội.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Kế hoạch bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về bình đẳng giới nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, nâng cao năng lực của cả nam và nữ để đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu chuyển đổi số, đồng thời tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của toàn thể CBCNV, góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn. EVN sẽ xây dựng các chính sách quy hoạch bổ nhiệm cán bộ nữ lồng ghép vào quy chế về công tác cán bộ, điều chỉnh quy định về tuyển dụng, đào tạo lao động nữ trong các quy chế tuyển dụng, đào tạo của EVN.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Tập đoàn cũng sẽ xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho lãnh đạo và đưa đào tạo kỹ năng cho cán bộ quản lý nữ thành chương trình đào tạo thường xuyên và bắt buộc. Ngoài ra, Tập đoàn sẽ phối hợp với Công đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng các chương trình truyền thông truyền cảm hứng, tạo sự gắn kết trong cơ quan, không cho phép có sự kỳ thị nam nữ, nhằm thay đổi các định kiến và xây dựng môi trường làm việc thật sự bình đẳng về giới. Tôi mong là được nhìn thấy nhiều gương mặt nữ cán bộ lãnh đạo quản lý hơn nữa trong giai đoạn phát triển sắp đến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.