Những thợ điện giỏi đi rừng và dân vận khéo

Những công nhân của Điện lực Kỳ Sơn (Công ty Điện lực Nghệ An – PC Nghệ An) vẫn luôn tự hào về khả năng “bắt sóng cùng tần số” trong giao tiếp với hơn 90% người dân là người dân tộc thiểu số. Đã nhiều lần, họ thể hiện được cách “dân vận” chân tình và khéo léo.

Khi thợ điện dùng ngôn ngữ của đồng bào 

Theo ông Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Điện lực Kỳ Sơn (PC Nghệ An), Điện lực Kỳ Sơn hiện có 22 người, trong đó có 8 người dân tộc. Khi trở thành công nhân ngành Điện, họ là niềm tự hào của gia đình. Vì thế, trong công việc, họ luôn cống hiến hết mình, gặp khó không ngại, khổ cực không kêu. Một lợi thế của 8 công nhân này là thành thạo tiếng dân tộc. Họ có thể giao tiếp với hơn 90% dân số trong khu vực là người Mông, Khơ Mú, Thái. 

Một đặc điểm dễ thấy của hệ thống đường dây tải điện do Điện lực Kỳ Sơn quản lý là đa số đi qua đồi, núi và rừng phòng hộ, đơn vị phải chú trọng công việc cắt, tỉa, phát quang cây cối trong hành lang an toàn lưới điện. Ban đầu ngành Điện cũng khá “đau đầu” khi xử lý cây cối trong vườn nhà dân ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện. “Ô, cái cây nớ ta không cho chặt mô. Cây nớ cho ta quả”, chủ nhà khăng khăng từ chối, dù lãnh đạo Điện lực Kỳ Sơn đã giải thích. Nhưng khi nghe cuộc nói chuyện bằng tiếng Mông rất có lý, có tình rằng: “Con cũng không muốn đưa dao chặt cây của dân đâu. Nhưng vì ngành Điện cần an toàn, nên con chia sẻ để ông hiểu”…, dăm phút sau là chủ nhà đã: “Ta đồng ý”.

“Mình biết nói tiếng Kinh, Mông, Thái, Khơ Mú. Khi mình giao tiếp với người địa phương, mình phải dùng cái âm, cái từ của tiếng mẹ đẻ của họ. Họ hiểu rồi sẽ đồng tình với chủ trương của ngành Điện. Điều này rất quan trọng và chúng tôi áp dụng mỗi ngày”, anh Lầu Chồng Của, Đội trưởng Đội Trung thế cho biết.

Anh Của cũng chia sẻ, 52 tuổi nhưng anh vẫn không ngại khi đi rừng, lội suối, vượt dốc. “So với thế hệ trẻ ở dưới xuôi lên, cả đời người ta không đi rừng thì chắc chắn họ chưa bằng anh em chúng tôi được” - anh Của khẳng định. 

Tâp thể công nhân Điện lực Kỳ Sơn luôn đoàn kết, chia sẻ. Đội trưởng Của biết rõ quãng đường về xuôi để thăm gia đình của đồng nghiệp có khi mất đến 6 giờ. Vì vậy, khi bố trí thời gian làm việc và ngày nghỉ dành cho gia đình, họ cũng hết sức linh động. Hơn nữa, khi có sự cố xảy ra, lực lượng được điều động đầu tiên và nhiều nhất vẫn là những thợ điện sinh ra tại địa phương. Bởi, họ biết đường đi tới hiện trường nhanh hơn, an toàn hơn. 

Người dân hỗ trợ Công nhân Điện lực Kỳ Sơn vận chuyển máy biến áp lên núi

Việc khó có nhờ dân

Ông H’mong B’Lanh, một người dân tộc Khơ Mú, ở bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) đã chia sẻ về niềm vui của dân bản khi có điện: Trước kia gặt và đập lúa bằng tay, nay lúa được tuốt bằng máy. Cối giã gạo đã được thay bằng máy xay xát. Gùi nước ít dùng dần vì nhà nào cũng có máy bơm nước từ suối lên. Bao đời nồi cơm nấu bằng củi, nay ra ở trung tâm xã Bắc Lý thấy cái nồi cơm nấu bằng điện “dùng tốt lắm”.  

“Đối với với người dân ở các bản xa, khi có điện, họ mừng lắm. Chúng tôi đã thấy họ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Điện dựng cột trong vườn, chặt cây, kéo đường dây. Mỗi nhà hy sinh một tý để điện về khắp bản. Khi có những công việc cần sức người, nhờ Trưởng thôn huy động 5-10 người giúp các thợ điện, cũng rất đơn giản”, anh Lầu Chồng Của cho biết.

Trong danh sách điện thoại của Đội trung thế, có rất nhiều số điện thoại của các trưởng bản, người dân. Các đầu mối liên lạc sẽ chủ động báo tin cho Điện lực Kỳ Sơn mỗi khi có sự cố xảy ra, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Với một địa bàn hiểm trở như Kỳ Sơn, nếu không có mạng lưới thông tin của người dân, thợ điện sẽ rất khó tiếp cận đúng vị trí sự cố.

Trong cuộc trò chuyện về nghề, các thành viên của Đội trung thế đều chia sẻ: Nếu điện mất, cả bản chỉ trông mong vào sự có mặt của các chú thợ điện. Vì vậy, nếu ban đêm nhận được tin báo sự cố điện, thợ điện rất lo lắng, tờ mờ sáng đã gọi nhau lên đường. Có những lần đi sớm, xe chưa kịp bơm xăng, đến con dốc đứng thì xe… khựng lại. Hết xăng. “Hu” một tiếng, đã có người dân địa phương mang vội chai xăng dự trữ trong nhà tới giải cứu. Hoặc mùa mưa, khi thợ điện vào bản kiểm tra đường dây, lúc trở về, gặp khe suối nước lớn không thể cho xe vượt qua được. Không cần nài nỉ, một tốp đàn ông trong bản đi tới, khiêng giúp xe vượt qua suối. 

“Ô, chú thợ điện đến rồi”, hễ thấy thợ điện đến nhà, người già và cả trẻ nhỏ đều rất yêu mến. Đặc biệt, những người cao tuổi trong bản thường hay chuyện trò, hỏi thăm: “Các anh đi bao cây số tới đây?” “Giữa trưa đứng bóng, cái bụng đã no?” Nếu thợ điện còn chưa ăn cơm, họ thân tình mời bữa cơm đạm bạc. “Người dân rất tình nghĩa. Thế nên, chúng tôi hết lòng vì nghề, phục vụ từng nhà dân dùng điện”, anh Lầu Chồng Của chia sẻ. 

Theo cán bộ Đội trung thế của Điện lực Kỳ Sơn, họ tự hào được làm nghề ở một huyện vùng biên, gian khổ “có thừa,” nhưng tình cảm với dân bản đúng là “càng lắc càng đầy”. Điều đặc biệt ấn tượng của Điện lực Kỳ Sơn là trong suốt quá trình vận hành và cung cấp điện, họ đã hòa trộn được kinh nghiệm, văn hóa giao tiếp của người bản địa với nghiệp vụ vận hành, quản lý của ngành Điện. Vì vậy, điện luôn tỏa sáng khắp bản làng vùng biên giới xa xôi. 


  • 01/04/2021 04:56
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 845