Đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông với sứ mệnh "chia lửa" cho ĐZ 500 kV Bắc - Nam

"Việc hoàn thành và đưa vào đóng điện kịp thời đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông ngay trước mùa nắng nóng năm nay không chỉ khẳng định năng lực và quyết tâm của các đơn vị ngành Điện, mà quan trọng hơn, còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc giảm áp lực truyền tải công suất cao, "chia lửa" cho đường dây 500 kV Bắc - Nam, đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống" - đó là khẳng định của ông Trần Quốc Lẫm - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT).

Trao đổi với phóng viên evn.com.vn, ông Lẫm cho biết, sau gần 1 tháng đóng điện và đi vào vận hành, mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhưng đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đang từng bước thể hiện được vai trò quan trọng của mình đối với hệ thống điện quốc gia. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, việc gấp rút thi công và hoàn thành đóng điện đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông ngay đầu tháng 5/2014 có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống điện miền Nam nói riêng và cung ứng điện trong cả nước vào mùa nắng nóng năm nay nói chung?

Ông  Trần Quốc Lẫm - Phó TGĐ EVN NPT khẳng định: Với việc hoàn thành công trình 500 kV PMCB, mùa nắng nóng năm nay miền Nam sẽ không lo thiếu điện - Ảnh: VLong

Ông Trần Quốc Lẫm: Công trình 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xây dựng với vai trò rất quan trọng, nối dài các sứ mệnh của hệ thống truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là đường dây siêu cao áp 500 kV mạch 1 và mạch 2.

Trước hết, công trình có nhiệm vụ  cấp bách là truyền tải điện cho các tỉnh miền Nam trong điều kiện nguồn điện tại chỗ không đủ đáp ứng so với nhu cầu, lưới truyền tải 500 kV mạch 1 và mạch 2 thường xuyên đầy tải... Vì vậy, có thể nói, đường dây này sẽ "chia lửa" cho 500 kV mạch 1 và mạch 2, góp phần giảm tải cho hệ thống truyền tải siêu cao áp, cũng có nghĩa là góp phần đảm bảo an ninh hệ thống điện miền Nam nói riêng, hệ thống điện quốc gia nói chung. 

Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cùng các đơn vị thi công đã nỗ lực bằng rất nhiều giải pháp, quyết tâm đưa công trình về đích ngay trước mùa nắng nóng năm nay. Cùng với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương 5 tỉnh, thành phố có đường dây đi qua, đầu tháng 5/2014 công trình đã được đóng điện an toàn, đảm bảo kịp thời các nhiệm vụ cấp bách của mình. Với việc công trình về đích đúng hẹn, có thể khẳng định, mùa nắng nóng năm nay, các tỉnh miền Nam sẽ không lo thiếu điện!

PV: Tiến độ được đẩy nhanh trong điều kiện giải phóng mặt bằng khó khăn, thời tiết khí hậu bất lợi cho thi công..., liệu chất lượng công trình có được đảm bảo hay không, thưa ông?

Ông Trần Quốc Lẫm: Đảm bảo tiến độ là mục tiêu "tối thượng", nhưng đảm bảo chất lượng cũng là điều bắt buộc đối với tất cả các công trình, không riêng gì ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Tuy nhiên, giải bài toán này trong 1 lúc, trong điều kiện có rất nhiều điểm nghẽn về mặt bằng, khó khăn về thời tiết khí hậu, địa hình... quả là thách thức không nhỏ!

Đối với công trình này, do tính chất quan trọng của nó, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và các ban ngành liên quan như, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, trong quá trình thi công, dù gặp không ít thách thức, nhưng tiến độ và chất lượng công trình vẫn được đảm bảo tuyệt đối. Bằng chứng bước đầu là sau gần 1 tháng đi vào vận hành, đường dây đã truyền tải điện an toàn, kịp thời "chia lửa" cho hệ thống ĐD 500 kV mạch 1, 2 cũng như đảm bảo an ninh hệ thống điện. 

PV: Theo ông, từ thành công của công trình này, những kinh nghiệm thực tiễn nào có thể được áp dụng cho việc triển khai các dự án điện cấp bách sắp tới?

Ông Trần Quốc Lẫm: Đối với việc xây dựng các công trình truyền tải, thông thường có 3 "Tổng" mà chúng tôi phải giải quyết: Đó là "Tổng mặt bằng", "Tổng chi phí" và "Tổng tiến độ". Giải được bài toán "3 tổng" này tức là đảm bảo công trình sẽ thành công. Tất nhiên, đối với từng dự án khác nhau, các bài toán cụ thể lại đặt ra những yêu cầu khác nhau, nên giải pháp cũng cần phải được vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo.

Riêng đối với công trình này, theo tôi, bài học về giải phóng mặt bằng dựa vào chính quyền địa phương và lòng dân là đáng để ghi nhớ nhất, có thể áp dụng ngay với các dự án khác mà EVN NPT đang và sẽ triển khai thời gian tới. 

PV: Xin cảm ơn ông!

 


  • 04/06/2014 10:08
  • Vĩnh Long
  • 4408


Gửi nhận xét