Thợ điện vùng cao: Cần có cơ chế tiền lương đặc thù!

Đưa điện về những xã bản vùng cao, vùng biên giới, hải đảo đòi hỏi công sức rất lớn của người làm điện... Làm thế nào để động viên, khuyến khích kịp thời những cống hiến, hy sinh đó? Ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề trên.

Ông Trần Văn Ngọc

Ông Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam:
Cần một cơ chế đặc thù xác định mức thu nhập

Nhằm tạo điều kiện cho CBCNV làm việc tại các điện lực vùng cao, địa bàn quản lý xa xôi, đời sống nhiều khó khăn, sau kiến nghị của Công đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn đã đồng ý và chỉ đạo các đơn vị thực hiện hỗ trợ tiền xăng xe cho CBCNV phải sử dụng phương tiện cá nhân khi di chuyển thực thi công vụ xa ở miền núi. Tới đây, Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tổ chức vận động CBCNV toàn Ngành quyên góp, ủng hộ xây các nhà trực vận hành để anh em cán bộ nhân viên ở các điện lực vùng sâu rút ngắn khoảng cách đi lại, tạo thuận tiện trong việc xử lý sự cố.

Hiện, tiền lương của ngành Điện gắn liền với doanh thu và sản lượng điện thương phẩm. Đó là một thiệt thòi đối với lực lượng lao động ở vùng sâu vùng xa vì doanh thu và sản lượng ở đó rất thấp, trong khi nhiệm vụ quản lý vận hành lại rất khó khăn do số km đường dây dài, địa hình phức tạp, mọi công tác từ quản lý đường dây, ghi chỉ số cho đến thu tiền điện đều khó khăn hơn miền xuôi.

Lâu nay, các đơn vị trong Tập đoàn vẫn “chia ngọt sẻ bùi” với những đơn vị làm việc tại vùng sâu vùng xa. Thiết nghĩ, các bộ ngành cần nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù về tiền lương cho CBCNV ngành Điện làm việc ở vùng sâu vùng xa, trên cơ sở định biên, định mức lao động đã đặt ra.

 

 


 

Ông Hoàng Chí Thức

Ông Hoàng Chí Thức - Phó ban Chỉ đạo Tây Bắc:
Cơ chế đặc thù cho người làm Điện vùng cao - tại sao không?

Nhiều năm làm công tác quản lý ở một tỉnh miền núi, tôi đã chứng kiến, và nếm trải những khó khăn, nhọc nhằn của cán bộ làm việc ở vùng cao, nhất là tại các thôn bản vùng sâu vùng xa. Chỉ tính đến những thiệt thòi về điều kiện làm việc, đời sống văn hóa - giải trí so với thành phố không thôi, họ cũng đáng được hưởng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ. Chưa kể đến một số ngành nghề mang tính đặc thù, nguy hiểm hơn như  ngành Điện, càng cần có ưu đãi đặc biệt về tiền lương.

Thực tế, hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực nói chung cũng đã có cơ chế ưu đãi về lương thưởng như giáo viên, bộ đội, y tế... Thậm chí nhiều chương trình mục tiêu quốc gia dành cho các địa bàn vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền núi cũng đã có tính đến cả sự hy sinh, đóng góp của những người làm việc trên địa bàn đó. Tuy nhiên, dường như ngành Điện, mà cụ thể là những người làm điện vùng cao chưa được hưởng những cơ chế ưu đãi này. Tôi nghĩ, bản thân ngành Điện và các đơn vị cũng đã tính toán, hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên công tác tại các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chính sách của Nhà nước, vẫn cần tính toán sao cho đảm bảo sự công bằng giữa người làm điện với những người thuộc các ngành nghề khác cùng làm việc tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Cá nhân tôi, với vai trò là một trong những người có trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian tới tôi cũng sẽ nghiên cứu, xem xét để tham mưu cho Lãnh đạo và các ban ngành trung ương về vấn đề này. Một cơ chế hỗ trợ chung cho những người công tác tại các tỉnh vùng cao, trong đó có ngành Điện, theo tôi là rất cần thiết vào lúc này.
 

Giàng A Hù

Ông Giàng A Hù – Phó chủ tịch xã Khao Mang, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái:
Nên hỗ trợ thêm về lương, thưởng…

Khao Mang là một trong những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Hiện xã chúng tôi mới có 6/10 thôn bản được dùng điện lưới quốc gia.

Chúng tôi hiểu và rất chia sẻ với sự khó nhọc, vất vả của những người thợ điện đã vượt rừng, vượt núi, đưa ánh sáng điện về cho dân bản. Hiện giờ, giao thông đi lại trong xã vẫn còn khó khăn, chủ yếu là đường mòn, mùa nắng đã đành, mùa mưa vô cùng gian nan. Từ trung tâm xã đến bản gần nhất cũng gần 5 km. Tuy nhiên, thợ điện vẫn thường xuyên xuống xã kiểm tra từng đường dây, từng vị trí cột điện có chỗ nào bị sụt lở, có nguy cơ mất an toàn và xin xác nhận của xã để có hướng xử lý. Nếu chẳng may máy biến áp ở khu vực nào bị sự cố hoặc cần sửa điện ở nhà dân, chúng tôi đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Điện lực Mù Căng Chải và đại lý dịch vụ ở xã.

Cái tâm của thợ điện đối với bà con vùng cao rất đáng quý vì nếu đặt mục tiêu kinh doanh thì điện lực chưa thể có lợi nhuận. Tôi cho rằng, sẽ là hợp lý nếu có chính sách hỗ trợ thêm về lương, thưởng để động viên, khuyến khích những người thợ điện vùng cao an tâm công tác và gắn bó lâu dài với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa như xã chúng tôi.
 


  • 16/04/2014 09:13
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2777


Gửi nhận xét