​EVN: Vươn xa để kéo điện lại gần

Bằng việc tiếp nhận và cung cấp điện cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện trọng trách là tiếp thêm niềm tin cho tuyến đầu trong quá trình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Người lao động ngành Điện nơi tuyến đầu

Trung tuần tháng 7/2017, tại Hà Nội, EVN và Bộ Tư lệnh hải quân đã tổ chức Lễ ký Biên bản bàn giao, tiếp nhận hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; đồng thời ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc cung cấp điện 24/24 giờ cho quần đảo và nhà giàn. Sự kiện này đã góp phần nâng danh sách các huyện đảo được EVN cung cấp điện lên con số 10/12, sắp tới EVN sẽ tiếp nhận thêm đảo Cồn Cỏ.

Trong năm 2017, cùng với 2 đảo, quần đảo trên, EVN sẽ hoàn thành việc tiếp nhận, quản lý vận hành cung cấp điện tại 11/12 huyện đảo của cả nước gồm: Huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang). 

Như vậy, trên xã đảo, quần đảo ở tất cả các vùng biển Việt Nam nói chung và Trường Sa, nhà giàn DK1 nói riêng, sẽ có cán bộ, công nhân viên EVN cùng đồng hành, sát cánh với quân và dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN - cho biết, đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, công nhân viên ngành điện cách mạng Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Tiếp thêm niềm tin nơi đảo xa

Trước đây, hệ thống điện trên các đảo (chủ yếu là máy phát điện dầu, một số nơi có điện mặt trời) đều do quân đội hoặc chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, khách hàng chỉ được cấp điện 6 - 10 giờ/ngày và chỉ dùng cho sinh hoạt do lưới điện thiếu đồng bộ, kỹ thuật hạn chế, giá bán điện cao, chất lượng điện thấp... Điều này đã gây không ít khó khăn cho quân, dân trên đảo trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, trong nhiều năm qua, cùng với quyết định giảm giá điện ngang bằng với đất liền, EVN đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình cấp điện xuyên biển lẫn trên không để cấp điện cho các đảo, huyện đảo, điển hình như Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc... Việc cấp điện ổn định, liên tục 24/24 giờ cho quần đảo Trường Sa và các đảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm quyền lợi công bằng xã hội cho người dân; tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế biển đảo, nhất là nuôi trồng thủy - hải sản, du lịch; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; chia sẻ, giảm bớt 1 phần nhiệm vụ cho các chiến sĩ, chính quyền nhân dân; góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc; quan trọng hơn là tạo dựng niềm tin vững chắc vào chế độ, quốc gia, dân tộc.

Riêng quần đảo Trường Sa, trong hai năm 2016, 2017, EVN đã tổ chức 2 đoàn công tác ra Trường Sa cho cán bộ, công nhân viên EVN; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Lớn C với đầy đủ hệ thống cung cấp điện và trang bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN:

Dù còn khó khăn về nguồn vốn, vị trí địa lý cách xa đất liền, các đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nhưng với tầm quan trọng của việc bảo đảm nguồn năng lượng, sẵn sàng góp phần đắc lực trợ giúp cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, EVN cam kết bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, vật lực để hoàn thành xuất sắc trọng trách này.

 


  • 29/07/2017 11:21
  • Theo Báo Công Thương
  • 6829