Công trường là nhà, thủy điện là nghiệp

Có lẽ, trong “làng” thủy điện Việt Nam, không ai không biết đến nữ kỹ sư Đặng Thị Hợp, Nguyên Phó Giám đốc Viện Khảo sát thiết kế (Bộ Thủy lợi), nay là Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện nay đã 80 tuổi, nhưng có tới 57 năm làm thủy điện, với bà, công trường chính là nhà, thủy điện là nghiệp.

Khi công trường là nhà

Trong một lần gặp bà Hợp mới đây, tôi thật thà hỏi: Bà có nhớ hết những công trình mà mình đã từng làm không?. Bằng nụ cười hiền hậu, bà bảo: “Nhớ chứ, nhưng nhiều lắm, để kể cụ thể thì khó mà nhớ hết được, chỉ biết nếu tính cả khi về hưu thì bà tham gia tổng cộng khoảng 40 công trình thủy điện và 6 công trình thủy lợi”. Một con số “khổng lồ” đối với cuộc đời một nữ kỹ sư - một cán bộ nghiên cứu thiết kế thủy công hàng đầu Việt Nam.

Nhớ lại cơ duyên đã gắn chặt đời bà với nghiệp thủy điện là vào năm 1958, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành thủy công, thủy điện, bà lập gia đình và vào làm việc tại Viện Khảo sát thiết kế (Bộ Thủy lợi), sau này đổi tên thành Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1, rồi Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Lúc đó, bà được giao thiết kế các công trình thủy lợi như cầu máng Thụy Phương; Cống Quế ở Phủ Lý, Hà Nam; Hệ thống tưới ở Thanh Oai, Thường Tín, Hà Nội. Từ năm 1959 đến 1960, bà được giao chủ trì thiết kế hồ Đại Lải; từ năm 1961 đến 1973, Chủ nhiệm thiết kế dự án hồ Núi Cốc, Thái Nguyên…

Từ năm 1973 đến 1975, bà đi thực tập sinh tại Liên Xô về các công trình thủy điện lớn, sau đó về nước làm việc tại Ban Sông Đà trực thuộc Chính phủ chuyên trách về dự án thủy điện Hòa Bình. Sau này thống kê lại những công trình thủy điện lớn gồm: Thủy điện Hòa Bình, Đrây H’linh, Ialy, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Thác Bà, Hủa Na…, thấy dự án nào bà cũng tham gia, hết công trình nọ nối tiếp công trình kia, trường kỳ với thủy điện.

Có thời điểm ngắt quãng, xen thêm các công trình ngoài thủy điện nữa. Đến năm 1995, bà mới chính thức được nghỉ hưu ở tuổi 60 (do yêu cầu công việc, lúc bấy giờ bà đang phụ trách làm thủy điện Ialy nên được giữ lại thực hiện nốt dự án). Năm 1996 (khi đã nghỉ hưu), bà thành lập Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hòa Bình, làm công tác tư vấn về xây dựng. Từ đó đến nay đã tròn 20 năm. Tổng thời gian làm việc chuyên về thiết kế thủy điện là 57 năm.

Hiện, Công ty của bà chủ yếu thẩm tra, thẩm định các công trình, trong đó, hầu hết là tham gia thẩm tra các công trình lớn của EVN. Thật vậy, nếu nhìn vào quá trình công tác của bà được ghi lại qua từng năm có thể thấy, 90% thời gian bà gắn bó với công trường, với các dự án thủy điện. Công việc cuốn bà đi, hết mốc tiến độ này đến áp lực tiến độ khác. Tất cả như một guồng quay không ngừng. Bà Hợp kể, làm thủy điện có khi còn hơn cả chăm con mọn, trước khi bắt đầu một công trình mới thì phải đi khảo sát nghiên cứu địa hình, địa chất, thủy văn…, rồi đến công tác lập đề án khả thi, thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật…, nên thời gian gắn bó với mỗi công trình thường rất dài (từ 3 năm, 5 năm đến mười mấy năm như thủy điện Hòa Bình…).

Khi bắt tay vào công việc thì phải lăn lộn cả ngày, cả đêm để đạt mốc tiến độ đề ra, nhất là khi xảy ra sự cố thì hầu như cả công trường đều không ngủ, bà cùng đồng nghiệp lại thức trắng đêm để tìm phương án xử lý, khắc phục sự cố. Công việc áp lực quanh năm nên thời gian bà dành cho gia đình, cho các con hầu như rất ít. Chồng bà làm tại Cục Quản lý xây dựng và Giám định công trình (Bộ GTVT) cũng thường xuyên phải đi công tác, không mấy khi ở nhà, nên các con gần như nhờ cả vào các chị của bà chăm sóc.

Trong cuộc đời làm thủy điện, với bà, đáng nhớ nhất và cũng ghi dấu ấn đậm nét nhất có lẽ là 02 công trình thủy điện Đrây H’linh và thủy điện Ialy. Từ năm1980 đến 1986, với vai trò là Trưởng phòng Kỹ thuật, bà được giao làm Chủ nhiệm dự án thủy điện Đrây H’linh với công suất thiết kế 12 MW. Đây là công trình nhà máy thủy điện đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế. Trên cương vị là Phó Giám đốc, được sự tin tưởng của cấp trên cũng như kinh nghiệm làm thủy điện Đrây H’linh trước đó, bà tiếp tục được giao làm Chủ nhiệm dự án thủy điện Ialy từ năm 1988 đến 1994.

Dự án có công suất thiết kế 720 MW, là thủy điện lớn thứ 2 của Việt Nam sau thủy điện Hòa Bình lúc bấy giờ. Với 2 công trình thủy điện này, bà vinh dự được Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba. Trong đó, Huân chương Lao động hạng Ba cho Thủy điện Ialy được trao tặng khi bà đã về hưu. Quá trình công tác, tại bất cứ công trình thủy điện nào, trong bất kỳ vai trò, cương vị nào, bà cũng đặc biệt chú trọng vào các khâu: Giám sát kỹ thuật thi công chặt chẽ, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật - công nghệ, xem thi công có đúng hay không, khi thi công nếu vướng mắc ở khâu nào thì giải quyết.

Kỷ niệm gắn bó với thủy điện thì rất nhiều, nhưng đối với công trình thủy điện Đrây H’linh do bà thiết kế thì không bao giờ phai mờ trong tâm trí của bà vì đây là công trình đầu tiên, là dấu mốc quan trọng, là động lực khuyến khích bà toàn tâm toàn ý với nghề thủy điện. Năm 1980, ở Việt Nam chưa từng thiết kế được công trình thủy điện, mà chỉ mới xây dựng hai công trình là thủy điện Thác Bà và thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhưng đều do Liên Xô thiết kế.

Khi có kế hoạch xây dựng thủy điện Đrây H’linh, bà đã mạnh dạn đề xuất với cấp trên cho bà được đảm nhiệm phần thiết kế. Tuy được Bộ trưởng và Viện tin tưởng giao nhiệm vụ, nhưng khi đưa lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa nhận được sự đồng thuận, bởi họ nghi ngại về khả năng của phụ nữ, nghĩ bà chân yếu tay mềm, nếu giao Chủ nhiệm dự án không biết có làm được hay không? Với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, bà đã thuyết phục được mọi người. Lúc đó, bà cũng hơi chột dạ: “Liệu có phải mình liều quá không? Nhưng trong thâm tâm như mách bảo bà: “Đàn ông người ta làm được thì mình cũng phải làm được chứ, nên phải cố phấn đấu thôi, vì bây giờ coi như mình đã cưỡi trên lưng hổ rồi”, bà nói.

Với nụ cười dí dỏm, bà kể tiếp: Hồi làm thủy điện Đrây H’linh đi thực địa ở tận Đăk Lăk, mình còn ít tuổi, lúc đi trên cầu máng, hai bên là suối rất sâu, tuy run lắm, nhưng hai tay giữ chặt hai cái dép đi rất nhanh, rồi trèo đèo lội suối, khiến mọi người trong đoàn thắc mắc “Thế đàn ông ở Bộ Năng lượng đâu hết rồi mà bắt em đi?”, nhưng bà bảo: “Không phải, do tôi yêu thích nghề này nên đi làm, vậy thôi”. Đối với thủy điện Ialy, khi đã giữ cương vị Phó Giám đốc, bà tiếp tục tham gia khảo sát, thẩm định và Chủ nhiệm dự án từ năm 1988 đến năm 1994.

Tại đây, trong những lần đi thực địa bà cùng đồng nghiệp còn phát hiện ra một lượng lớn thuốc độc hóa học và bom trong chiến tranh sót lại phải nhờ bộ đội khai quật, tháo gỡ. Nói chung, cái nghề của bà cứ chỗ nào sâu nhất, xa nhất, nguy hiểm nhất, không có đường thì đi, chỗ nào có thác ghềnh cao nhất, hiểm trở nhất thì “mò” đến. Có thể bình thường ta thấy những người thợ thủy điện là công chức làm công ăn lương, nhưng công bằng mà nói, ẩn sâu trong con người đó là tinh thần Việt Nam, với quyết tâm vượt khó, nhẫn nại và đầy hào khí anh hùng.

Thủy điện là nghiệp

Đến bây giờ, khi tên tuổi của bà đã gắn liền với các công trình thủy điện nhiều đến nỗi, khi nhắc đến thủy điện người ta không thể không nhắc đến người nữ thủ lĩnh tài năng, tâm huyết, hết lòng vì công việc Đặng Thị Hợp. Tôi hỏi: “Người ta sống ở đô thị, đồng bằng, còn bà quanh năm sống ở các công trường thủy điện - vốn đều ở vùng sâu vùng xa, cuộc sống lẫn đi lại còn rất nhiều khó khăn, có khi nào bà cảm thấy buồn quá không?”.

Bà tâm sự: “Vất vả cho bản thân thì mình không ngại, nhưng nghĩ đến gia đình, các con phải chịu nhiều thiệt thòi thì đôi khi cũng thấy buồn, thấy mình có lỗi lắm! Những ngày nghỉ lễ, thứ bẩy, chủ nhật là khoảng thời gian các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau nhưng điều đó lại được coi là quá xa xỉ đối với bà. Có lần 30 Tết ở nhà rồi mà khi điện thoại gọi là bà lại lên đường, vì nhiều công trình hợp tác với chuyên gia nước ngoài nên coi mình như không có ngày nghỉ. Nhưng biết làm sao được, nếu tất cả ai cũng ở nhà ăn cơm, cũng vui Tết cùng gia đình, thì ai sẽ đến những nơi rừng sâu núi thẳm như thế?”.

Rồi bà bồi hồi: “Công việc bận rộn, không có thời gian để buồn nữa nhà báo ạ. Đi tối ngày ngoài công trường chân đã mỏi, vã mồ hôi, bản thân còn chẳng có thời gian đâu mà nghe nhạc, thư giãn nữa. Nhưng nhiều lúc, thực sự cũng không cầm lòng được khi thấy đồng nghiệp buồn, trống trải, đời sống tinh thần ở công trường còn nghèo nàn, rồi những lần anh em công nhân bị sốt rét triền miên, đời sống vật chất khó khăn, phải nhờ rất nhiều sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương nơi có dự án thủy điện đi qua…

Còn lại, thảng hoặc nếu có buồn thì cũng chỉ vì tiến độ không đạt, công trường gặp sự cố, hoặc nghĩ đến gia đình đang phải chịu thiệt thòi vì mình”. Bà bảo, mấy chục năm làm thủy điện, bà không ngại khó, ngại khổ, nhưng mỗi khi kết thúc một công trình, bàn giao để đến công trình mới, trong lòng bà không tránh khỏi băn khoăn.

Đời sống trên công trường còn nhiều khó khăn, liệu anh em công nhân có theo mình đến những nơi xa xôi cách trở hơn thế không? Và liệu mình còn có đủ sức khỏe để tham gia vào các công trình thủy điện mới không? “Bà có nghĩ mình là người phụ nữ làm nhiều thủy điện nhất Việt Nam?” Tôi hỏi. “Điều đó tôi chưa nghĩ đến mà chỉ nghĩ mình là phụ nữ Việt Nam, là người có cơ hội làm nhiều thủy điện lớn nhất thôi, bởi không ai có thể một mình làm nên thủy điện.

Nhiều người, mỗi người làm một việc thì mới thành thủy điện”, bà chia sẻ. Làm thủy điện không chỉ yêu cầu cao về sức khỏe mà còn đòi hỏi lòng yêu nghề, không quản ngại gian khổ. Với bà Đặng Thị Hợp, những yêu cầu ấy bà đã có thừa, bởi bà yêu thủy điện, gắn bó với nó từ thủa còn là một cô gái tuổi đôi mươi.

Đến bây giờ, ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn còn nhiệt huyết với các dự án thủy điện. Những thông tin, kỷ vật về công trình thủy điện từng làm, bà đã lưu giữ cẩn thận. Bà quý chúng và coi chúng như một phần máu thịt của mình, bởi đó là nơi gắn liền với tình yêu và lòng nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ. Những lần sắp xếp được thời gian, vợ chồng bà lại cùng nhau đi thăm lại những thủy điện đã từng làm… Hiểu về nghề thủy điện, hiểu về người đàn bà dành trọn tình yêu cho những công trình thế kỷ, tôi thêm trân trọng những con người âm thầm, lặng lẽ miệt mài cống hiến sức lực và tuổi xuân tại nơi non cao cùng cốc để xây dựng công trình thủy điện, mang ánh sáng cuộc sống văn minh tới mọi nhà, mọi miền của Tổ quốc.


  • 17/09/2016 09:00
  • Nguồn: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 2586