Tám cô gái Trạm 110 kV An Lạc

Trong lịch sử ngành Điện, 8 cô gái dũng cảm, đảm đang của Trạm 110 kV An Lạc đã để lại dấu ấn không phai mờ cho các thế hệ CBCNVC hôm nay và mai sau. Các cô gái ở đây không thua kém các cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Điều may mắn nhất là trải qua chiến tranh ác liệt, các cô vẫn an lành và tiếp tục phục vụ trong ngành Điện khi hòa bình lập lại.

Sau ngày Hải Phòng giải phóng, Công ty Điện lực (PC) Hải Phòng tiếp quản Nhà máy Điện Cửa Cấm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống lưới điện thành phố phục vụ nền công nghiệp non trẻ, phục vụ cảng và đời sống nhân dân.

Trạm biến áp (TBA) 110 kV An Lạc là trạm 110 kV đầu tiên của TP. Hải Phòng được xây dựng và đưa vào vận hành từ những năm 60 của thế kỷ XX. Giai đoạn này, hệ thống đường dây và hệ thống trạm 110 kV An Lạc được xây dựng và đưa vào hoạt động với tổng dung lượng 25.000 kVA. Hàng loạt tuyến 35 kV nối với tuyến An Lạc để cấp điện cho một sốcơ quan xí nghiệp, đời sống nhân dân thành phố và một số tuyến ngoại thành.

Với 1 máy biến áp công suất 25.000 kVA, đây được coi là trạm biến áp lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Nhiệm vụ của Trạm là nhận điện từ Nhà máy Điện Uông Bí và Nhà máy Điện Thượng Lý để cung cấp điện cho toàn TP. Hải Phòng và một phần các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Điều đáng nói là trước thời gian Mỹ đánh phá miền Bắc, Điện lực Hải Phòng đa phần là nam giới, chị em phụ nữ hầu hết làm các công việc như sửa chữa điện kế và các công việc nghiệp vụ, khối kỹ thuật rất ít nữ.

Vào những năm 60, bị thua đau trên chiến trường miền Nam, Đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc nhằm chặt đứt nguồn tiếp viện của tiền tuyến. Hải Phòng là cảng lớn duy nhất ở miền Bắc tiếp nhận viện trợ và chi viện cho chiến trường miền Nam nên đã trở thành điểm nóng trong những trận oanh tạc của máy bay Mỹ.

Các nhà máy điện, đường dây tải điện và TBA 110 kV tại Hải Phòng phải đương đầu với rất nhiều trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ. Phần lớn nam giới lên đường nhập ngũ, bên cạnh việc gánh vác công việc chuyên môn, chị em phụ nữ còn phải tham gia dân quân tự vệ, sẵn sàng bắn máy bay Mỹ khi chúng tấn công vào thành phố.

Trạm trưởng HồThị Bích Phượng (ngoài cùng bên trái) trao đổi công việc
cùng tám cô gái Trạm 110kV An Lạc - Ảnh tư liệu

Cùng với Nhà máy Điện Thượng Lý, TBA 110 kV An Lạc trở thành trọng điểm ác liệt nhất của Hải Phòng. Toàn bộ khu vực liên tục bị máy bay Mỹ đánh phá cả ngày lẫn đêm, nhằm nhấn chìm Hải Phòng trong bóng đêm thiếu điện, thiếu nước. Để duy trì dòng điện cho thành phố, công nhân ngành Điện Hải Phòng nói chung và trạm An Lạc nói riêng quyết tâm ngày đêm bám trụ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh.

Dưới tầm đạn bom, hàng loạt sáng kiến vẫn tiếp tục ra đời, tiến độ sửa chữa vẫn được đẩy nhanh. Để bảo vệ người và tài sản nhà nước, hệ thống hầm đường giao thông kiên cố được xây dựng. Tự vệ trực chiến ngày đêm. Cũng như Nhà máy Điện Thượng Lý, trạm 110 kV An Lạc trở thành lũy thép kiên cường giữa lòng thành phố Hải Phòng trong những năm chiến tranh.

Các thiết bị của Trạm thời kỳ đó chủ yếu là của Liên Xô cũ rất nặng nề, nhất là các cầu dao đóng cắt. Trạm An Lạc khi đó chỉ có 8 cô gái phần lớn ở tuổi mười tám, đôi mươi do chị Hồ Thị Bích Phượng phụ trách. Là một trong những nữ kỹ sư điện đầu tiên của Điện lực Hải Phòng, chị Bích Phượng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cô gái ở trạm làm nhiệm vụ vận hành và quản lý các thiết bị điện. Các chị cũng đi ca, cũng mắc dây, đặt điện thành thạo như nam giới, khi rảnh rỗi, lại tranh thủ nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, tay nghề.

Chị Phượng kể, trừ chị Liên có vóc dáng cao to như đàn ông, các chị khác hầu hết đều rất nhỏ bé. Mặc dù vậy, mỗi khi có chiến sự, các chị đều tham gia chiến đấu rất dũng cảm. Mỗi lần trạm biến áp bị bom đánh phá, cột gẫy, sứ vỡ, dây đứt là họ có mặt, nhanh chóng sửa chữa lưới điện để phục vụ điện cho sản xuất và chiến đấu.

Bom vừa dứt, chị em đã xông lên đào bới hầm sập, giải quyết hậu quả, khôi phục dòng điện. Có lần, một khẩu đội pháo cao xạ bị bom Mỹ đánh trúng, các chị đã xông vào trận địa, thay thế những pháo thủ đã hy sinh, chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Số chị em còn lại đã tham gia vác đạn, cứu tải thương, hoặc khâm liệm những chiến sỹ đã hy sinh. Hết ca trực, tất cả lại trở về lo cơm nước cho chồng con, gia đình.

Qua hơn 50 năm đi vào vận hành, Trạm tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đến nay, công suất trạm An Lạc lên tới 105.000 kVA với 3 máy biến áp cung cấp 1/5 phụ tải điện của thành phố.

Từ 7- 9/12/2013, Công  ty Điện lực Hải Phòng đã đầu tư trên 10 tỷ đồng huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên cùng 7 đơn vị xây lắp điện trong và ngoài thành phố tiến hành đại tu sửa chữa lớn toàn bộ trạm, với các hạng mục như thay dây, xà, sứ; thí nghiệm các máy biến áp, các thiết bị đóng cắt tự động… và chống ngập lụt.

Ngày nay, ngành Điện đã xây dựng nhiều trạm biến áp hiện đại hơn, công suất lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn. Tuy nhiên, trạm 110 kV An Lạc và 8 cô gái đảm đang dũng cảm ở đây vẫn mãi mãi là địa chỉ tri ân của các thế hệ ngành Điện.


  • 23/08/2016 09:35
  • Nguồn bài và ảnh: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 2994