3 đề xuất phát triển mạng lưới điện ASEAN trong tương lai

16:10, 09/03/2025

Tiến trình hội nhập ASEAN đang mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng. Trước những biến động địa chính trị và thương mại toàn cầu, Đông Nam Á cần một hệ thống liên kết năng lượng chặt chẽ, vận hành trên cơ sở luật lệ minh bạch nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Chuyên gia Mirza Sadaqat Huda từ Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore) nhấn mạnh tầm quan trọng của Lưới điện ASEAN (APG) trong một bài xã luận gần đây. Ông Huda cho rằng, để APG có thể tiếp tục phát triển, ASEAN cần thành lập một thể chế năng lượng khu vực, phát triển thị trường Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (REC) và thiết lập phương pháp tính phí luân chuyển minh bạch.

Việc tiếp tục phát triển mạng lưới điện tại Đông Nam Á là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa: evn.com.vn

Thể chế năng lượng khu vực: Nhu cầu cấp thiết

Theo ông Huda, kể từ khi Bản ghi nhớ APG đầu tiên có hiệu lực vào năm 2009, kết nối năng lượng tại ASEAN đã có những bước tiến đáng kể. Hiện nay, 9 trong số 18 dự án kết nối chính đã hoàn thành, trong đó nổi bật là dự án kết nối điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS-PIP). Việc Singapore trực tiếp mua điện tái tạo từ Lào thông qua hệ thống lưới điện khu vực đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, thúc đẩy hợp tác về cáp ngầm, hệ thống lưu trữ năng lượng và các dự án năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của quá trình hội nhập năng lượng, ASEAN cần một tổ chức khu vực đóng vai trò điều phối, tương tự như Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống truyền tải châu Âu (ENTSO-E). Theo ông Huda, ENTSO-E là mô hình phù hợp nhờ khả năng điều hòa mã lưới điện, chia sẻ dữ liệu và lập kế hoạch phát triển hạ tầng khu vực. Điều quan trọng là tổ chức này có thẩm quyền pháp lý, yêu cầu các bên liên quan trong ngành năng lượng cung cấp dữ liệu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường điện.

Tuy nhiên, ASEAN cũng có thể tham khảo mô hình Quỹ Điện lực Nam Phi (SAPP), hoạt động dựa trên Biên bản ghi nhớ liên chính phủ mà không cần ràng buộc pháp lý. SAPP đã thành công trong việc thúc đẩy thương mại điện năng giữa các quốc gia thành viên nhờ cơ chế phối hợp linh hoạt.

Ông Huda nhận định: "Dựa vào những kinh nghiệm thực tế, ASEAN cần thảo luận về khả năng thành lập một tổ chức năng lượng khu vực, đồng thời xem xét cơ chế ràng buộc nhằm chính thức hóa việc chia sẻ dữ liệu, giải quyết tranh chấp và xây dựng quy định thị trường điện chung".

Phát triển thị trường Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (REC)

Tương lai của mạng lưới điện tại Đông Nam Á cũng phụ thuộc vào việc xây dựng thị trường REC khu vực. Trên thực tế, REC là công cụ tài chính giúp chứng nhận nguồn gốc điện năng từ các nguồn tái tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng năng lượng sạch.

Theo ông Huda, nhu cầu về REC ngày càng tăng do các tập đoàn lớn như Google và Samsung đang tìm kiếm nguồn cung điện sạch. Giai đoạn 2019-2023, tổng số REC từ năng lượng mặt trời và gió tại Đông Nam Á đã tăng gần 13 lần, trong đó Malaysia, Thái Lan và Việt Nam là những nước phát hành REC nhiều nhất.

Theo ông Huda, Việt Nam là một trong những quốc gia Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo nhiều nhất. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với thị trường REC khu vực là việc chưa được các tiêu chuẩn quốc tế như RE100, vốn chỉ công nhận các giao dịch điện xuyên biên giới tại Bắc Mỹ và châu Âu. Điều này hạn chế tiềm năng thương mại REC trong khu vực ASEAN.

Theo ông Huda, việc đạt được công nhận từ RE100 và các tiêu chuẩn quốc tế khác là điều kiện tiên quyết để ASEAN thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu REC xuyên biên giới được chấp nhận, khu vực sẽ mở rộng cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện và hệ thống lưu trữ năng lượng, đồng thời góp phần trung hòa carbon trong ngành năng lượng.

Chính vì vậy ASEAN cần tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa các quốc gia Đông Nam Á, nhằm thống nhất tiêu chuẩn REC, tạo điều kiện cho việc công nhận chứng chỉ REC xuyên biên giới, giúp thị trường phát triển minh bạch và dễ tiếp cận hơn.

Xây dựng phương pháp tính phí minh bạch

Theo ông Huda, ASEAN đặc biệt cần một cơ chế minh bạch để tính toán phí luân chuyển điện qua biên giới. Trong dự án LTMS-PIP, Lào đã trả phí luân chuyển cho Thái Lan và Malaysia, qua đó đưa điện đến Singapore. Tuy nhiên, mức phí này không được công khai do các thỏa thuận thương mại.

Ông Huda cho rằng, ASEAN có thể học hỏi mô hình của SAPP, trong đó phí luân chuyển được tính dựa trên ba yếu tố: tỷ lệ sử dụng lưới điện, chi phí vận hành và bảo trì, cùng với chi phí thay thế hạ tầng. Theo chuyên gia, một phương pháp tính phí minh bạch sẽ giúp thúc đẩy đầu tư và tạo động lực phát triển các dự án kết nối điện khu vực.

Bản ghi nhớ APG mới cần đặt ra nguyên tắc tính phí luân chuyển công bằng, đơn giản và dễ thực hiện. Ông Huda nhận định, điều này không chỉ giúp đảm bảo thu hồi chi phí đầu tư mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các quốc gia ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Chuyên gia Huda nhận định: "Bản ghi nhớ APG đầu tiên đã tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, các thỏa thuận kế nhiệm cần đi xa hơn, với mục tiêu xây dựng thể chế mạnh mẽ, tạo ra cơ chế thị trường minh bạch và phản ánh đúng những cơ hội, thách thức hiện nay. Việc tiếp tục phát triển mạng lưới điện ASEAN sẽ không chỉ tăng cường kết nối mà còn đảm bảo an ninh năng lượng và thu hút đầu tư vào năng lượng sạch trong khu vực”.

Link gốc


Theo congthuong.vn

Share

Sẽ trồng mới hơn 2.000 cây xanh tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình

Sẽ trồng mới hơn 2.000 cây xanh tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình

Chiều 19/3, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Công ty Nhiệt điện Thái Bình phối hợp Đoàn Thanh niên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức phát động phong trào trồng cây "Vì một Việt Nam xanh".


Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng tăng khả năng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện Quốc gia

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng tăng khả năng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện Quốc gia

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (xây dựng tại tỉnh Hòa Bình) đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) tích cực triển khai. Dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ tăng khả năng khai thác công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao khả năng điều tần, độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành hệ thống điện.


Công ty Điện lực Bình Dương: Phối hợp phát động hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2025

Công ty Điện lực Bình Dương: Phối hợp phát động hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2025

Ngày 17/3, Công ty Điện lực Bình Dương phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Bình Dương và Trung tâm mua sắm Aeon mall Bình Dương Canary tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2025 với thông điệp “Chiến dịch xanh – Tương lai xanh” tại Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương.


Đảng ủy EVN: Họp rút kinh nghiệm đại hội điểm nhiệm kỳ 2025 – 2030

Đảng ủy EVN: Họp rút kinh nghiệm đại hội điểm nhiệm kỳ 2025 – 2030

Ngày 19/3, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN chủ trì họp với các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ EVN, để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức đại hội sau 2 đại hội điểm cấp cơ sở vừa qua.


Lãnh đạo EVN làm việc với Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn về công tác vận hành mùa khô năm 2025

Lãnh đạo EVN làm việc với Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn về công tác vận hành mùa khô năm 2025

Ngày 19/3, tại Thanh Hóa, ông Đinh Thế Phúc - Thành viên HĐTV EVN, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN đã làm việc với Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (Tổng công ty Phát điện 1) về công tác chuẩn bị nhiên liệu, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, đảm bảo điện mùa khô năm 2025.