Cuộc tranh chấp hợp đồng giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và nhà nhập khẩu khí đốt của Áo OMV đã dẫn đến việc Gazprom cắt nguồn cung khí đốt kéo dài 50 năm vào đầu tháng này. Tuy nhiên, với sự gia tăng sản lượng từ năng lượng tái tạo, các công ty điện lực tại Áo đã chuẩn bị tốt để giảm tối đa sự phụ thuộc vào khí đốt trong mùa đông sắp tới.
Nếu vượt qua được thử thách này, Áo sẽ tạo ra một bước tiến lớn trong việc giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, đồng thời trở thành hình mẫu cho các quốc gia láng giềng đang tìm cách chuyển đổi năng lượng.
Đập thủy điện Ybbs-Persenbeug tại sông Danube, Áo.
Với hơn 3.000 nhà máy thủy điện, Áo hiện sở hữu một trong những mạng lưới thủy điện lớn nhất châu Âu, cung cấp hơn hai phần ba tổng sản lượng điện quốc gia. Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy điện tại Áo tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, nhờ lượng mưa lớn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giúp nâng mực nước hồ chứa lên mức cao nhất trong nhiều năm. Chỉ trong tháng 10, sản lượng từ các thủy điện đạt 4,15 TWh, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo mức dự trữ thủy điện cao để hỗ trợ hệ thống điện trong mùa đông.
Cùng với thủy điện, năng lượng gió cũng đóng góp đáng kể vào việc giảm nhu cầu sử dụng khí đốt. Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện gió đạt 7,7 TWh, tăng 18% so với năm trước và cao hơn 2,5 lần so với điện từ khí đốt. Thêm vào đó, tốc độ gió tại Trung và Nam Âu thường đạt đỉnh vào mùa đông – thời điểm tiêu thụ khí đốt cao nhất. Nhờ đó, sản lượng điện gió dự kiến sẽ tiếp tục vượt sản lượng điện khí trong suốt mùa đông 2024-2025, giảm thiểu đáng kể lượng khí đốt cần thiết.
Động thái này cũng củng cố chiến lược chuyển đổi năng lượng bền vững của Áo, tạo động lực cho các quốc gia láng giềng như Cộng hòa Séc, Hungary, Thụy Sĩ, Ý, Slovenia, và Slovakia – những nước có mạng lưới điện kết nối với Áo – giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Nguyệt Hà (Reuters)
Share