1. Lừa đảo xem bói, giải hạn trực tuyến
Lợi dụng tâm lý của đông đảo người dân mong muốn có một năm mới bình an và may mắn, các đối tượng lừa đảo thường dẫn dụ nạn nhân vào các trang, hội nhóm xem bói online, giải hạn trực tuyến. Bằng cách tra tìm thông tin của nạn nhân trên các trang mạng xã hội, các đối tượng căn cứ vào đó sẽ đưa ra một số dự đoán phi thực tế làm cho người xem hoang mang, lo lắng, thậm chí dùng lời lẽ đe dọa khiến họ sợ gặp phải vận hạn trong năm mới rồi dần dần dẫn dụ “con mồi” chuyển khoản số tiền lớn để đặt lễ, dâng sao, cúng giải hạn…sau khi đã chiếm đoạt được số tiền như ý thì các “bà bói”, “thầy cúng” online này cũng biến mất không thể liên lạc.
2. Lừa đảo tour du lịch giá rẻ sau Tết
Nắm bắt được nhu cầu du Xuân, tham gia các lễ hội đầu năm của người dân tăng cao, các đối tượng tạo lập hàng loạt hội nhóm, trang fanpage trên các trang mạng xã hội, đăng tải thông tin về các tour du lịch giá rẻ, các gói combo du lịch, vé máy bay, vé tàu xe với nhiều ưu đãi “khủng”. Những bài viết này thường kèm theo hình ảnh bắt mắt, lịch trình hấp dẫn và cam kết “uy tín - chất lượng”. Các đối tượng sau đó sẽ mạo danh là nhân viên của các hãng bay hoặc là đại lý ủy quyền của các hãng nên có các ưu đãi chiết khấu cao, mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy. Bên cạnh đó, để tạo dựng lòng tin, chúng để lại một loạt bình luận từ các tài khoản ảo để khen chất lượng dịch vụ hoặc tạo giả các hình ảnh giao dịch thành công khi đặt tour, mua vé, đáng nói là các “giao dịch ảo” này thường là thanh toán toàn bộ chi phí hoặc đặt cọc 50 đến 70% chi phí hòng lừa đảo nạn nhân chuyển số tiền lớn. Khi đã nhận được tiền, các đối tượng sẽ chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ.
3. Lừa đảo làm cộng tác viên “việc nhẹ lương cao”
Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm sau kỳ nghỉ Tết, vẫn với chiêu trò mời làm cộng tác viên “việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng sử dụng mạng xã hội chào mời người dân tham gia làm cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử. Khi có người hỏi, nhóm lừa đảo sẽ sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo để kết bạn, làm quen, lôi kéo họ mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn làm các nhiệm vụ chuyển tiền đặt hàng online. Khi thực hiện các giao dịch ban đầu với số tiền nhỏ, các đối tượng sẽ để nạn nhân dễ dàng rút tiền thu lợi nhuận để tạo lòng tin. Khi số tiền làm nhiệm vụ lớn dần, các đối tượng sẽ lấy nhiều lý do như người dùng thao tác sai, lỗi hệ thống… và yêu cầu phải chuyển số tiền lớn để khắc phục rồi mới được hoàn tiền, sau đó chúng chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản.
4. Mạo danh nhân viên điện lực
Gần đây, liên tục xuất hiện nhiều nhóm đối tượng giả mạo là nhân viên điện lực, gọi điện hoặc nhắn tin để thông báo người dân đang gặp vấn đề về hóa đơn tiền điện như quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống. Tiếp đó, kẻ lừa đảo yêu cầu người dân thanh toán tiền điện thông qua truy cập vào số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả do chúng cung cấp. Để gây thêm áp lực, chúng còn đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và thực hiện theo mọi yêu cầu. Tinh vi hơn, kẻ lừa đảo còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế giống với logo của Điện lực Việt Nam khiến nạn nhân không nghi ngờ mà quét mã thanh toán số tiền đã được đối tượng nhập sẵn. Mặt khác, nếu người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc các thông tin cá nhân vào website hay ứng dụng giả mạo do chúng cung cấp sẽ bị chiếm đoạt tiền và thông tin.
5. Giả danh cán bộ Công an làm thẻ căn cước online cho trẻ dưới 6 tuổi
Thời gian qua rộ lên chiêu thức lừa đảo, các đối tượng giả danh là cán bộ của Công an xã, phường nơi nạn nhân sinh sống, gọi điện cho các phụ huynh có con dưới 6 tuổi, yêu cầu kết bạn Zalo để gửi hướng dẫn cách đăng ký cấp thẻ Căn cước cho trẻ. Để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng còn cung cấp thông tin liên quan đến trẻ như họ tên, năm sinh, quê quán, trường học, sau đó dẫn dụ phụ huynh tải ứng dụng rồi truy cập vào đường link có giao diện, hình ảnh giả mạo của Chính phủ: chinhphu.khaibaoshkdt.com
Để đăng nhập vào đường link, các đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện sinh trắc học (khuôn mặt) để chúng thu thập, đồng thời cung cấp mã QR định danh của Căn cước công dân để phục vụ xác minh danh tính khi có yêu cầu. Sau khi thực hiện xong, các đối tượng tiếp tục yêu cầu nạn nhân tải file tài liệu đính kèm, trong đó có thư mục đã chứa mã độc. Sau khi nạn nhân cài đặt xong, các đối tượng đã chiếm được quyền truy cập vào thiết bị điện thoại của nạn nhân như: xem màn hình, điều khiển màn hình,... và tiến hành theo dõi, thu thập, đánh cắp toàn bộ thông tin cá nhân trên điện thoại như: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực giao dịch ngân hàng được gửi đến trên điện thoại (OTP SMS/OTP Safekey),...mà nạn nhân không hề hay biết. Tiếp theo, chúng hướng dẫn nạn nhân đăng nhập qua ứng dụng Ngân hàng để trả phí dịch vụ cấp thẻ Căn cước. Sau khi nạn nhân truy cập vào các App ngân hàng và nhập mật khẩu tài khoản thì kẻ lửa đảo đã đánh cắp được thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt hết số tiền trong tài khoản của nạn nhân, sau đó thay đổi mật khẩu tài khoản khiến nạn nhân không thể truy cập.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần chú ý:
1. Thận trọng trước những thông tin trên mạng về các tour du lịch với giá rẻ bất ngờ hay các khuyến mãi, ưu đãi “khủng”. Kiểm tra kỹ thông tin đơn vị đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, vé tàu xe, tour du lịch... Chỉ đặt vé hay đăng ký tại các cơ sở uy tín, có trụ sở rõ ràng.
2. Không tin tưởng tham gia vào các hội nhóm, các thủ đoạn lôi kéo vào các hoạt động mê tín, dị đoan, xem bói, dâng sao giải hạn online. Tránh bị các đối tượng lừa đảo đe doạ gây hoang mạng và bị chiếm đoạt tài sản.
3. Cảnh giác với các lời mời tham gia kiếm tiền trên mạng, “việc nhẹ lương cao”, đầu tư tài chính, tiền ảo, … để tránh sa vào cạm bẫy lừa đảo. Bảo vệ các thông tin cá nhân; kiểm tra, cập nhật và sử dụng các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội… tránh bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt.
4. Đối với các giao dịch thu tiền điện hiện nay đều được thực hiện qua các kênh chính thống của Tổng công ty Điện lực, tuyệt đối không sử dụng tài khoản cá nhân để thu tiền người dân. Cảnh giác phát hiện các hoạt động mạo danh nhân viên điện lực hướng dẫn người dân đóng tiền điện để lừa đảo.
5. Không được cài đặt phần mềm, file chứa mã độc hoặc bấm vào các đường link lạ gửi qua tin nhắn điện thoại. Người dân không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại; thường xuyên cập nhật phân mềm mới để nâng cao tính năng bảo mật.
Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo, cần liên hệ ngay với đơn vị Công an gần nhất để cung cấp thông tin và phối hợp điều tra, xử lý.
|
Link gốc
Theo anhp.vn
Share