Châu Âu: Còn nhiều thách thức trong việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng dài hạn

17:02, 21/02/2025

Lưu trữ năng lượng đang trở thành một phần quan trọng trong hệ thống điện, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ nguồn điện tái tạo như gió và mặt trời hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại châu Âu, việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng dài hạn (LDES) vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Lưu trữ Năng lượng 2025 do Solar Media tổ chức tại London ngày 18/2, các chuyên gia trong ngành đã thảo luận về cách thức các nước châu Âu đang tiếp cận việc đầu tư và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng, cũng như những khó khăn mà thị trường này đang đối mặt.

Phiên thảo luận với chủ đề “Cách thức đúng đắn để mua kho lưu trữ năng lượng dài hạn tại thị trường châu Âu là gì?” đã có sự tham gia của đại diện từ các nhà đầu tư, các đơn vị vận hành - phát triển tài sản như Dais Energy, Bluefield, Ikigai Capital, công ty tư vấn Clean Horizon, Hiệp hội Lưu trữ Năng lượng Ba Lan (PESA) và nhà sản xuất pin lithium-ion Envision Energy. Ảnh: Solar Media

Tại một số nước như Anh, Đức, Thụy Điển và Hà Lan, hệ thống lưu trữ năng lượng đã phát triển chủ yếu nhờ các cơ hội thương mại, tức là các công ty tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này mà không cần sự hỗ trợ từ chính phủ. Những doanh nghiệp này kiếm lợi nhuận từ việc bán điện và dịch vụ ổn định lưới điện, nhưng không có bất kỳ cam kết doanh thu dài hạn nào từ nhà nước.

Ngược lại, các nước như Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và nhiều quốc gia Trung - Đông Âu lại chọn cách hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc tổ chức các chương trình đấu thầu để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng. Tuy nhiên, cách làm này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ví dụ, tại Bồ Đào Nha, chính phủ đã cấp tài trợ cho 43 dự án lưu trữ năng lượng với tổng công suất khoảng 500MW. Nhưng thực tế, nhiều công ty đã từ bỏ các dự án này sau khi nhận được tài trợ do những quy định ràng buộc quá khắt khe, làm giảm khả năng vận hành linh hoạt của doanh nghiệp.

Tại Ba Lan, hệ thống lưu trữ năng lượng từng được hỗ trợ thông qua thị trường năng lực (CM - Capacity Market), một cơ chế mà chính phủ trả tiền cho các nhà máy điện hoặc hệ thống lưu trữ để đảm bảo có đủ nguồn điện dự phòng khi cần thiết. Ban đầu, thị trường năng lực này được tạo ra để hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt, nhưng sau đó hệ thống lưu trữ năng lượng đã dần thay thế các nguồn điện này.

Dù vậy, câu hỏi lớn đặt ra là Ba Lan sẽ tiếp tục phát triển hệ thống lưu trữ như thế nào sau năm 2025, khi các phiên đấu giá hỗ trợ tài chính dài hạn sẽ kết thúc.

Nhìn chung, hầu hết các nước châu Âu chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho hệ thống lưu trữ năng lượng dài hạn. Ý là một trong số ít quốc gia triển khai chương trình MACSE, hỗ trợ hệ thống lưu trữ với thời gian lên đến 8 giờ. Trong khi đó, Anh là quốc gia duy nhất có chương trình riêng dành cho lưu trữ năng lượng dài hạn, thay vì chỉ tập trung vào pin lithium-ion như các nước khác.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà thị trường lưu trữ năng lượng đang đối mặt là làm sao để có doanh thu ổn định.

Theo các chuyên gia tài chính, để một dự án lưu trữ năng lượng có thể thu hút đầu tư, nó cần tạo ra doanh thu từ 50.000 - 100.000 euro cho mỗi MW. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là doanh thu, mà là tính ổn định của nguồn thu. Nếu một dự án có thể đảm bảo mức thu nhập tối thiểu trong dài hạn, nó sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Dù còn nhiều khó khăn, thị trường lưu trữ năng lượng tại châu Âu vẫn đang phát triển nhanh chóng. Ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn được phê duyệt, với nhiều địa điểm có công suất trên 1GWh đã bắt đầu xây dựng. Những dự án này có thể trở thành hệ thống lưu trữ năng lượng lớn nhất tại châu Âu trong tương lai.

Chính phủ Anh và một số quốc gia khác đang thúc đẩy các chương trình hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời giúp châu Âu đạt được mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững.

Bên cạnh nhiều rào cản, các chuyên gia tại hội nghị đều đồng ý rằng nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý và các mô hình tài chính bền vững, hệ thống lưu trữ năng lượng dài hạn sẽ có thể phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, giúp tăng cường an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.


Nguyệt Hà (Energy-storage.news)

Share

Kỹ sư Đào Thanh Oai: “Còn sức là còn học hỏi và cống hiến”

Kỹ sư Đào Thanh Oai: “Còn sức là còn học hỏi và cống hiến”

Từ một cậu bé lớn lên giữa đồng quê nghèo, kỹ sư Đào Thanh Oai (Chuyên viên Ban Kỹ thuật và An toàn EVN) đã nỗ lực vươn lên trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của ngành Điện, với hàng loạt sáng kiến cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều công trình nghiên cứu khoa học.


Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh kiểm tra công trình cấp điện cho Côn Đảo

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh kiểm tra công trình cấp điện cho Côn Đảo

Ngày 15/7, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra hiện trường thi công công trình cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo, Thành phố Hồ Chí Minh (trước là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).


'Điện đi trước một bước' nơi cửa khẩu vùng biên

'Điện đi trước một bước' nơi cửa khẩu vùng biên

Đằng sau sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn là vai trò then chốt của Công ty Điện lực Lạng Sơn với chiến lược “điện đi trước một bước”, trở thành nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế.


Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ 3 vào hồi 15h ngày 17/7/2025

Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ 3 vào hồi 15h ngày 17/7/2025

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có Công điện số 4476/CĐ-BNNMT ngày 17/7/2025, điện Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc mở tiếp cửa xả đáy thứ 3 hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 15h00 ngày 17/7/2025.


EVN khuyến cáo về tình trạng giả mạo nhãn hiệu máy biến áp EEMC trên thị trường

EVN khuyến cáo về tình trạng giả mạo nhãn hiệu máy biến áp EEMC trên thị trường

Hiện nay, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh – Công ty cổ phần (EEMC) là một trong số các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo thông tin từ EEMC, trong thời gian qua một số cơ sở sản xuất nhỏ đã lợi dụng sự tín nhiệm của khách hàng và uy tín của thương hiệu EEMC để sản xuất và cung cấp các loại máy biến áp phân phối giả, nhái. Các sản phẩm giả mạo này thường được gắn nhãn mác giả, lý lịch giả, làm giả mẫu mã, màu sơn và được quảng bá là "máy biến áp Đông Anh".