Trường Tiểu học Lý Tự Trọng nằm trên địa bàn xã Ea Kuêh, một xã thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. “Trước đây, hằng tháng, nhà trường phải cắt cử người đi nộp tiền điện. Đường xa, vừa mất thời gian, lại lo lắng mất an toàn. Từ khi nhà trường thực hiện thanh toán tiền điện trực tuyến thì rất đơn giản, vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa đỡ tốn công sức, nhân lực” - Thầy Mai Văn Chính, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Còn chị Phan Hà (huyện Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) rất hài lòng khi có thể thanh toán trích nợ tự động tiền điện cho cha mẹ đang sống ở quê (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Chị chia sẻ: “Cha mẹ tôi đều đã lớn tuổi, khi nhớ khi quên ngày nộp tiền điện. Tôi đăng ký trích nợ tự động theo mã khách hàng sử dụng điện của cha mẹ, hằng tháng, ngân hàng tự động trích tiền từ tài khoản để nộp tiền điện giúp các cụ nên rất tiện lợi”.
Đây chỉ là hai ví dụ điển hình về tiện ích của các phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổng công ty điện lực triển khai trên mọi vùng miền của Tổ quốc.
Thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự đồng bộ và thuận lợi khi triển khai các dịch vụ công cấp độ 4 và hợp đồng điện tử. Ảnh minh họa
|
Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua, EVN đã làm tốt công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Năm 2019, Tập đoàn có tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 46,54% về số lượng khách hàng (vượt 3,06% so với yêu cầu tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ); và đạt trên 87% trên tổng doanh thu tiền điện.
Với những kết quả nổi bật đó, thanh toán tiền điện là một trong 3 dịch vụ điện đầu tiên được Chính phủ cho phép tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia khi Cổng khai trương ngày 9/12/2019.
Phương thức thanh toán tiền điện trực tuyến rất đơn giản và mang lại lợi ích theo “cấp số nhân” cho cả khách hàng, ngành Điện và xã hội như: Tiết kiệm thời gian, công sức; tạo sự thuận tiện khi triển khai các dịch vụ công mức độ 4 và hợp đồng điện tử; giảm chi phí hoạt động của các doanh nghiệp ngành Điện. Ngoài ra, còn giúp minh bạch các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm sát của các cơ quan nhà nước…
Từ năm 2013, EVN đã là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho khách hàng trên quy mô cả nước. Tập đoàn cũng đã tăng cường hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thiết lập các kênh thanh toán đa dạng cho khách hàng. Từ năm 2017, đã không còn nhân viên của Điện lực đến nhà khách hàng thu tiền điện.
Thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và nhiệm vụ được Chính phủ giao, EVN sẽ tiếp tục quảng bá, khuyến khích khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tập đoàn đặt mục tiêu có số lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 50% vào năm 2020 và 75% vào năm 2025.
M.Hạnh
Share