Thách thức lớn nhất trong việc làm mát các tòa nhà tại những vùng có khí hậu nóng ẩm, như Singapore hay nhiều thành phố ở Đông Nam Á, chính là lượng hơi nước cao trong không khí. Không giống như môi trường khô nóng, nơi nhiệt độ có thể dễ dàng được kiểm soát, khí hậu ẩm khiến không khí giữ lại nhiệt nhiều hơn, còn gọi là nhiệt ẩn.
Hệ thống điều hòa trong nhà vì thế phải hoạt động kép: vừa làm giảm nhiệt độ không khí (nhiệt cảm nhận được), vừa phải khử ẩm để loại bỏ nhiệt ẩn. Quá trình này đòi hỏi năng lượng lớn hơn đáng kể so với các vùng khí hậu khô.
Chính vì vậy, giải pháp làm mát thụ động như lớp sơn “đổ mồ hôi” mang lại lợi ích kép: vừa giúp giảm nhiệt bề mặt thông qua phản xạ bức xạ mặt trời và bay hơi nước, vừa hỗ trợ gián tiếp giảm gánh nặng cho hệ thống điều hòa không khí. Việc làm mát từ bên ngoài giúp giữ cho cấu trúc tòa nhà không hấp thụ quá nhiều nhiệt, qua đó duy trì nền nhiệt trong nhà ở mức thấp hơn mà không cần tiêu thụ nhiều điện năng.
Công nghệ sơn đặc biệt này vừa được nhóm nghiên cứu tại Singapore phát triển, sử dụng nền gốc xi măng kết hợp cấu trúc xốp cho phép giữ nước và giải phóng từ từ, mô phỏng cơ chế thoát nhiệt qua mồ hôi của con người. Không chỉ sở hữu khả năng làm mát bức xạ và phản xạ ánh sáng mặt trời lên tới 88 - 92%, sơn còn ứng dụng hiệu ứng bay hơi nước để hạ nhiệt cho bề mặt tòa nhà.
Theo tạp chí Science, trong một thử nghiệm thực tế, ba ngôi nhà tại Singapore đã được phủ ba loại sơn khác nhau: sơn trắng thông thường, sơn làm mát bức xạ thương mại và sơn “đổ mồ hôi”. Kết quả cho thấy loại sơn mới giúp giảm 30 - 40% lượng điện tiêu thụ cho hệ thống điều hòa, đồng thời giữ được màu sắc ổn định sau hai năm dưới khí hậu nắng mưa liên tục, nhờ bổ sung các hạt nano tăng khả năng phản xạ và bền màu.
Công nghệ sơn mới không chỉ mở ra hướng đi mới trong thiết kế VLXD thông minh mà còn được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí làm mát - vốn chiếm đến 60% mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà hiện đại.
Quan trọng hơn, với khả năng ứng dụng rộng rãi tại các đô thị nhiệt đới và cận nhiệt đới, công nghệ sơn “đổ mồ hôi” còn góp phần làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, hiện tượng các bề mặt nhân tạo hấp thụ và phát lại nhiệt đang làm tăng nền nhiệt chung và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Link gốc
Theo tapchixaydung.vn
Share