Anh Nguyễn Thiện Hùng - Đội trưởng Đội truyền tải điện Phú Lâm, Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Truyền tải điện 4:
Kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia xây dựng đường dây 500kV mạch 3
Khi tôi tham gia xây dựng đường dây (ĐZ) 500kV mạch 3, thực sự có rất nhiều khó khăn. Thay vì đi công tác khoảng 5-6 ngày như trước đây, khi thi công ĐZ 500kV mạch 3, chúng tôi đi cả trăm ngày, do đó, cần sắp xếp công việc, lo toan cho gia đình trước khi lên đường.
Tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp thi công công trường nên cũng có nhiều điều lo lắng, như: anh em ăn uống ra sao, dân vận như thế nào, rồi sự khác biệt về phong tục từng miền, hơn nữa khí hậu rất khắc nghiệt.
Khi nhận nhiệm vụ thi công DZ 500kV mạch 3, thực sự trước đó, tôi chưa bao giờ thi công dựng những cột điện cao và lớn như thế. Ví như cột VT360 nặng tới 460 tấn, chúng tôi từng trăn trở “không biết sẽ thi công sao?”. Nhưng tôi cũng hứa với lãnh đạo, sẽ nỗ lực vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khi triển khai thi công, những khó khăn đã dần được khắc phục. Trở về từ công trường mạch 3, anh em chúng tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công việc hàng ngày.
Ngày 15/5 vừa rồi, tròn 1 năm dịp tham gia công trình ĐZ mạch 3, chúng tôi cũng có họp kỷ niệm. Một số anh em có hỏi tôi: “Nếu như mai mốt có công trình đường dây mạch 4 thì anh Hùng có tham gia nữa không?” Tôi trả lời, với những kinh nghiệm mình đã có, chúng tôi sẽ sẵn sàng tham gia thi công!

Giao lưu cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, vận hành. Ảnh: Ngọc Tuấn
|
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng - nhân viên Đội Thí nghiệm, Công ty Lưới điện Cao thế Thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI):
“Không có gì hạnh phúc hơn khi được làm công việc mình yêu thích”
Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hệ thống điện và năm 2009 thì thi tuyển vào EVNHANOI. Được cống hiến cho ngành Điện với chính chuyên ngành mình học là niềm mơ ước của tôi. Không có gì hạnh phúc hơn khi hàng ngày được làm những công việc mình yêu thích, do chính mình lựa chọn.
Là phụ nữ, làm việc trong môi trường cao thế, công việc luôn rình rập nguy hiểm, đòi hỏi chúng tôi tuân thủ 100% các quy định nghiêm ngặt. Chính môi trường làm việc khắc nghiệt, áp lực đã rèn luyện cho tôi tính kỷ luật, bản lĩnh và sự bền bỉ. Tôi tin rằng khi mình làm tốt thì mỗi thao tác của mình đang góp phần giữ cho thành phố được sáng đèn an toàn.
Công việc của tôi là đo đạc kiểm tra định kỳ ngày, đêm đường dây 110kV trong thành phố. Với việc kiểm tra hầm cáp thì chúng tôi thường kiểm tra vào ban đêm; trong khi đường dây trải dài khắp các khu dân cư, nhiều nơi hẻo lánh chúng tôi không thể lấy được tín hiệu điện áp thấp và tần số để đưa vào thiết bị. Xuất phát từ việc thấy anh em đồng nghiệp vất vả trong việc chui lên, chui xuống quá nhiều ở hầm cáp, đến việc xử lý tín hiệu rất khó khăn, đã thôi thúc tôi nghiên cứu ra ứng dụng hiệu ứng cảm ứng cuộn Rogowski, tận dụng đường dây 110kV để lấy chính điện áp thấp và tần số lưới đưa vào thiết bị đo đạc, phân tích dữ liệu và đo phóng điện cục bộ nâng cao chất lượng hệ thống điện. Nhờ đó, chúng tôi có thể hoàn toàn giám sát lắp đặt đo đạc phân tích online của hệ dữ liệu hệ thống cách điện. Tôi nghĩ rằng giải pháp này, trong tương lai chúng tôi sẽ hoàn toàn giám sát chất lượng của hầm cáp, tuyến cáp toàn bộ đường dây 110kV trong thành phố.
Anh Phạm Khánh Linh – kỹ sư quan trắc, Trung tâm kiểm soát an toàn công trình, Công ty Thủy điện Sơn La:
Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng và với ngành Điện
Đối với những người làm công tác quản lý an toàn công trình như chúng tôi thì tất cả suy nghĩ, công việc đều chỉ hướng vào mục đích duy nhất: Tất cả các đập hồ chứa trên bậc thang Thủy điện sông Đà và những đập chúng tôi được Tập đoàn giao quản lý phải luôn đảm bảo an toàn vận hành trong mọi điều kiện thời tiết. Là những người kỹ sư trực tiếp làm việc với con đập, chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của công tác này, coi đó là trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng và với ngành Điện.
Công việc của chúng tôi là làm sao để đảm bảo quản lý an toàn công trình, chủ yếu về công tác giám sát. Trên cơ sở các dữ liệu quan trắc tại hiện trường, chúng tôi đánh giá theo dõi tình trạng của con đập, như những người bác sĩ đa khoa theo dõi người bệnh của mình, theo dõi liên tục hàng ngày hàng giờ để giám sát những bất thường nhỏ nhặt nhất. Nếu xuất hiện, chúng tôi sẽ là những người đầu tiên xử lý để đảm bảo không xảy ra rủi ro với công trình.
Cũng chính vì nhiệm vụ như thế, tất cả anh em chúng tôi thường xuyên 24/24 phải thay nhau bám công trình. Đặc điểm các công trình thường ở những nơi hẻo lánh, nên chúng tôi có khó khăn là xa nhà. Trên công trình Thủy điện Sơn La, có rất nhiều kỹ sư trẻ cũng phải xa vợ xa con. Trong điều kiện đó, chính những sự quan tâm bình dị của lãnh đạo đơn vị đã giúp chúng tôi cố gắng từng ngày từng giờ, vượt qua những khó khăn.
Những năm vừa rồi, Công ty Thủy điện Sơn La được Tập đoàn tin tưởng giao thí điểm Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà. Đầu năm 2025, được Hội đồng thành viên EVN phê duyệt chấp thuận cho đi vào chính thức, đổi tên là Trung tâm kiểm soát an toàn công trình điện. Đó cũng là nguồn động lực to lớn cho những anh em làm công tác quan trắc theo dõi quản lý an toàn đập, để chúng tôi tiếp tục cống hiến và bám sát công trường.

Giao lưu cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Ảnh: Ngọc Tuấn
|
Anh Đào Thanh Oai – Chuyên viên Ban Kỹ thuật và An toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
“Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, dám thử nghiệm”
Tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học chỉ là một sự tình cờ. Khi đó, tôi công tác tại Nhà máy Thủy điện Sơn La, công tác xa nhà và sinh hoạt theo chế độ bếp ăn tập thể, có rất nhiều thời gian nên tôi bắt đầu mày mò nghiên cứu khoa học, nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến ổn định hệ thống điện cũng như một số vấn đề về truyền tải điện. Kết quả nghiên cứu của tôi đã được công bố trên các cái tạp chí chuyên ngành.
Sau đó tôi tiếp tục phát triển các kết quả nghiên cứu này, ứng dụng vào công tác sửa chữa bảo dưỡng của EVN và có một số sáng kiến được công nhận. Điều khiến tôi duy trì được sự đam mê nghiên cứu cho đến tận bây giờ, thứ nhất là giá trị, tính khoa học, giá trị thiết thực và hữu ích của các công trình giải pháp sáng kiến. Thứ hai là sự ghi nhận của EVN cũng như lãnh đạo đơn vị. Thứ ba là sự đánh giá cao của giới chuyên môn.
Theo tôi, để khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đi vào thực tế và phát huy được hiệu quả thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Trong đó cần phải nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ công nhân viên về tầm quan trọng cũng như xu thế của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác sản xuất kinh doanh của EVN. Bên cạnh đó, trang bị các kỹ năng, công cụ khai thác các thành tựu khoa học công nghệ hiện nay cho một số cán bộ khoa học, cán bộ làm tham mưu cũng như cấp lãnh đạo. Đồng thời, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, dám thử nghiệm. Khi mỗi cá nhân có thể chủ động thích nghi và khai thác các ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế sẽ mang lại hiệu quả cho Tập đoàn.
Anh Trương Tùng Châu – chuyên viên Phòng Viễn thông và Công nghệ thông tin, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC):
Thế hệ trẻ xung kích, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Điện
Tôi học chuyên ngành công nghệ thông tin, tốt nghiệp năm 2013 và vào công tác trong ngành Điện từ tháng 10/2016, đến nay đã qua gần 9 năm công tác. Thời gian tuy không quá dài, nhưng cũng đủ để cho tôi cảm nhận được đây là một ngành “xương sống” của Tổ quốc. Ngành Điện có phương châm "Điện đi trước một bước", tôi luôn cảm thấy phương châm này rất ý nghĩa, từ đó giúp cho tôi khi nhận công việc được giao luôn cố gắng tìm tòi phải nghiên cứu sao cho có thể hoàn thiện công việc một cách tốt nhất.
Thế hệ trẻ ngành Điện hiện nay đang có một cơ hội rất lớn, đó chính là trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Điện. Thế hệ trẻ chúng tôi có lợi thế về kỹ năng công nghệ, khả năng nắm bắt, hơn hết là chúng tôi có tinh thần xung kích, dám nghĩ dám làm, không ngại khó. Điều quan trọng là làm sao phải khơi gợi được trong mỗi đoàn viên thanh niên tinh thần sáng tạo, tinh thần yêu nước và mạnh dạn biến từ những ý tưởng trở thành giải pháp thực tế, biến những khó khăn trong công việc trở thành động lực để đưa ra những cải tiến giúp công việc tốt hơn.
Với vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên, tôi luôn cố gắng tạo một môi trường để kết nối những đoàn viên thanh niên, nơi đó các bạn có thể tự do thoải mái chia sẻ những ý tưởng của mình. Từ những ý tưởng nhỏ ban đầu, cải tiến trong nội bộ, dần dần phát triển lên. Sáng kiến đôi khi không phải là cái gì đó quá to tát và xa xôi, chúng ta có thể bắt đầu từ những cái nhỏ, bắt đầu từ ý tưởng cải tiến chính công việc của mình.
Công cuộc chuyển đổi số của ngành Điện hiện nay không phải chỉ dừng lại ở việc số hóa dữ liệu, đưa dữ liệu lên môi trường số, cũng không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những phần mềm ứng dụng, mà công cuộc chuyển đổi số là chúng ta đang thay đổi hoàn toàn cách tư duy, quản lý vận hành cũng như cách chăm sóc khách hàng. Tôi nghĩ thế hệ trẻ với tinh thần khát khao, đam mê sáng tạo của mình sẽ là một lực lượng nòng cốt trong hành trình đó.
Và tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ ngành Điện hiện nay với sự quan tâm giúp đỡ và chỉ đạo kịp thời từ ban lãnh đạo sẽ là lực lượng có chuyên môn tốt, sống có lý tưởng, có tinh thần yêu nước, đam mê cống hiến để xây dựng ngành Điện ngày càng thân thiện, hiện đại.
TN (lược ghi)
Share