Điện tử hóa
Mới đây nhất, ngày 09/12/2020, EVN đã triển khai “Hóa đơn tiền điện ứng dụng QR code”. Đây là sự kiện đánh dấu quá trình tiếp tục ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, tạo thuận lợi nhiều nhất cho khách hàng sử dụng điện.
Theo đó, từ tháng 1/2021, EVN triển khai ứng dụng QR code theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cho tất cả khách hàng sử dụng điện. Mỗi khách hàng sẽ có một mã QR code, áp dụng trên toàn bộ hồ sơ khách hàng, trên hóa đơn tiền điện và thông báo tiền điện. Khi thực hiện thanh toán, khách hàng chỉ cần quét mã QR và nhập số tiền, giao dịch thanh toán sẽ hoàn thành rất nhanh, không cần khai báo thông tin người dùng. Đây là nỗ lực rất lớn của EVN trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện.
Ông Nguyễn Minh Khoa - Trưởng ban Pháp chế EVN cho biết, những năm qua, lĩnh vực cải cách hành chính luôn được EVN chú trọng và tập trung mọi nguồn lực triển khai. Trong đó, EVN đã ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần vào đơn giản hóa các báo cáo định kỳ và cụ thể hóa các giải pháp thực hiện.
Tính đến hết năm 2018, EVN đã giảm được 86% báo cáo giấy, từ năm 2019, đưa vào vận hành EVNPortal gửi và nhận báo cáo từ các đơn vị. Theo đó, phần lớn các báo cáo đã được thực hiện bằng cách nhập bảng biểu từ các phầm mềm dùng chung, hiện chỉ còn 26 báo cáo thực hiện theo hình thức đính kèm file, hạn chế báo cáo gửi qua E-office, trừ các báo cáo mật.
Hiện nay, EVN đang hoàn thiện EVNPortal cùng với việc áp dụng triệt để thành tựu của cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đồng thời nghiên cứu áp dụng công nghệ BI (Business Intelligence) trong lĩnh vực này.
EVN cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý điều hành: Sử dụng chữ ký số, thực hiện họp trực tuyến, họp không giấy, kết quả đã mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa giảm chi phí vừa nâng cao năng suất lao động.
EVN và các đơn vị trực thuộc cũng đặc biệt chú trọng đến việc đơn giản hóa các thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ điện năng theo phương châm 3 dễ (dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát) và “một cửa”. Đến nay, EVN đã cung cấp 100% dịch vụ điện tương đương dịch vụ công cấp độ 4 (cấp độ cao nhất trong dịch vụ công trực tuyến); cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử - mọi công đoạn đều thực hiện qua môi trường mạng, từ khâu yêu cầu dịch vụ tới ký hợp đồng, người dân không cần phải đến trụ sở Điện lực mà chỉ cần truy cập vào máy vi tính hoặc thiết bị smartphone có kết nối internet.
Đẩy mạnh cải cách hành chính đã góp phần quan trọng giúp EVN nâng cao chất lượng công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng
|
Quyết liệt trong thực thi
Để triển khai hiệu quả khâu cải cách hành chính, hàng năm, HĐTV Tập đoàn, Tổng giám đốc đã ban hành các Nghị quyết, chỉ thị về cải cách hành chính; trong đó, yêu cầu tăng cường sử dụng, khai thác triệt để tiện ích, thông tin từ các phần mềm dùng chung như E-office, EVNPortal, HRMS; thực hiện kết nối gửi/nhận trục liên thông văn bản/hồ sơ tài liệu giữa Tập đoàn với các đơn vị thành viên và ngược lại, giữa các đơn vị trong ngành với nhau qua Văn phòng điện tử (trừ văn bản mật).
Tập đoàn cũng yêu cầu lãnh đạo các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính, đồng thời, gắn kết quả cải cách hành chính vào việc đánh giá các chỉ tiêu hiệu quả, thành tích hàng tháng, thi đua, khen thưởng định kỳ, đột xuất...
Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, EVN còn khuyến khích phát huy trí tuệ tập thể của hơn 100 nghìn CBCNV và người lao động trong việc đề xuất các ý tưởng cải cách hành chính. Theo đó, Tập đoàn và các đơn vị đã phát động phong trào tìm kiếm ý tưởng cải cách hành chính. Qua đó, khuyến khích sự nhiệt huyết, tinh thần yêu ngành, yêu nghề của CBCNV. Tính đến nay, đã có 3.129 ý tưởng, sáng kiến cải cách hành chính nội bộ được ghi nhận và triển khai áp dụng.
Riêng tại Tổng công ty Điện lực TP. HCM, giai đoạn 2015 - 2020, đã có 214 giải pháp cải cách hành chính được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sự hài lòng của khách hàng, sự tin tưởng của đối tác và sự đồng thuận của người lao động.
Với mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế hiện đại, phát triển bền vững, hiệu quả, những năm tới, EVN sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào khâu cải cách hành chính; tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh,... phấn đấu đưa EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2022.
Giai đoạn 2016-2020 (tập trung từ 2019 đến nay), EVN và các đơn vị đã thực hiện:
- 19.500 cuộc họp trực tuyến
- 22.598 cuộc họp không giấy
- Giảm được 18.924 giờ họp (tiết kiệm tương đương 2.365 ngày làm việc).
|
Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share