Từ công trường đến hội trường khoa học
Kỹ sư Đào Thanh Oai sinh ra ở một miền quê thuần nông thuộc xã Kiến Xương, tỉnh Hưng Yên (trước là xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Mồ côi cha từ năm lớp 4, một mình mẹ tần tảo nuôi năm anh chị em khôn lớn, chỉ duy nhất cậu út Oai có cơ hội bước chân vào giảng đường đại học. Khi tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống điện - Đại học Bách Khoa Hà Nội, năm 2011 “chàng trai quê lúa” đã chọn gắn bó với ngành Điện ở vị trí kỹ sư tại Phân xưởng Tự động, Công ty Thủy điện Sơn La.

Kỹ sư Đào Thanh Oai
Được làm việc và rèn luyện tại những công trường lớn của ngành Điện như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu không chỉ giúp cho kỹ sư Đào Thanh Oai tích lũy được bề dầy kinh nghiệm mà còn phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Cũng trong thời gian công tác tại đây, anh và cộng sự đã thành công trong việc tạo ra bộ thiết bị có tác dụng hỗ trợ dập các dao động của các tổ máy phát điện, tăng cường độ tin cậy ổn định của hệ thống điện. Giải pháp này đã góp phần làm lợi nhiều tỷ đồng so với chi phí thuê tư vấn nước ngoài.
Dù quá trình thử nghiệm gặp vô vàn áp lực khi thao tác trực tiếp trên các tổ máy lớn đang vận hành của Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu nhưng anh cùng các cộng sự vẫn kiên trì, tỉ mỉ và không để xảy ra bất kỳ sự cố nào. Giải pháp này được trình bày tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2022 và đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) cùng năm.
|
Ông Lê Việt Hùng, Trưởng ban Kỹ thuật và An toàn EVN:
“Kỹ sư Đào Thanh Oai là người vui vẻ, hòa đồng, có năng lực và chuyên môn tốt. Với tinh thần làm việc cầu tiến, luôn chủ động đề xuất giải pháp, tôi mong rằng anh Oai sẽ có nhiều sáng kiến cho Tập đoàn trong thời gian tới”.
|
14 năm công tác trong ngành, anh đã công bố 5 công trình khoa học và có 3 sáng kiến cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dù anh khiêm tốn nhận rằng số lượng chưa nhiều, nhưng giá trị thực tiễn và hiệu quả kinh tế của những sáng kiến này đã góp phần không nhỏ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
“Tình yêu bất tận” với toán học
Ngoài chuyên môn ngành Điện, kỹ sư Đào Thanh Oai tự nhận có “tình yêu bất tận” với toán học. Anh đã công bố 15 bài báo quốc tế, được lập chỉ mục bởi các hội toán học uy tín. Hơn 39 khái niệm, hàng nghìn điểm hình học mang tên “Đào” được lưu trong Từ điển Encyclopedia of Triangle Centers của Giáo sư Clark Kimberling (đại học Evansville, Hoa Kỳ) - là một trong những tài liệu uy tín về hình học hiện đại. Từ Định lý Đào về sau tâm đường tròn, định lý tám đường tròn hay các tổng quát hóa về những định lý hình học cổ điển không chỉ là đam mê cá nhân mà còn là cách anh rèn luyện tư duy và phương pháp làm việc trong kỹ thuật.
Phía sau bản thành tích ấn tượng ấy là một cuộc sống đời thường, giản dị. Trong ngôi nhà nhỏ tại Hà Nội, anh cùng vợ và con trai sống chan hòa, nề nếp. Với anh, sau tất cả những nghiên cứu và giải thưởng, điều anh trân quý nhất là sự chia sẻ của đồng nghiệp, sự ủng hộ của gia đình. Anh luôn biết ơn những người đã trao cho mình cơ hội được thử sức, được khẳng định bản thân để từng bước trưởng thành.
Từng được vinh danh là “Người lao động ngành Điện tiêu biểu năm 2025”, nhận Bằng lao động sáng tạo (2023, 2024), Giải thưởng Lý Tự Trọng, được vinh danh tại Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc và gần đây nhất là được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng kỹ sư Đào Thanh Oai vẫn khiêm nhường cho biết: “Tôi còn nhiều điều cần học, để bản thân ngày càng tiến bộ hơn và tiếp tục đóng góp cho ngành Điện”.

Kỹ sư Đào Thanh Oai nhận Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Đại hội thi đua yêu nước EVN lần thứ V, ngày 30/6/2025
Trong thời đại chuyển đổi số, nơi các thuật toán AI hay công nghệ mới đang thay đổi cách ngành Điện vận hành, kỹ sư Đào Thanh Oai là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần của người làm chủ lưới điện, làm chủ tri thức và lan tỏa cảm hứng cho thế hệ đi sau.
3 sáng kiến, giải pháp cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam của kỹ sư Đào Thanh Oai:
- Giải pháp điều chỉnh các bộ PSS (PSS-Power System Stabilizer), năm 2020.
- Giải pháp phân tích, xử lý dữ liệu trong thử nghiệm PSS tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, năm 2020.
- Phương pháp định vị sự cố xác định tổng trở thứ tự thuận và thứ tự không của đường dây truyền tải điện dựa trên bản ghi rơle từ hai đầu đường dây, năm 2019.
|
T.Hằng
Share