Bộ ổn định hệ thống điện - PSS (Power System Stabilizer) hiện nay được tích hợp trong hệ thống kích từ, giúp tăng cường độ tin cậy ổn định hệ thống điện. Theo các quy định hiện hành, với các tổ máy trên 30MW phải được trang bị bộ PSS và phải được thử nghiệm để đánh giá đảm bảo chất lượng sau các kỳ đại tu tổ máy. Công việc này trước đây vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài, với chi phí ước hàng tỷ đồng cho mỗi tổ máy.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chuyên gia của hãng không thể bay sang Việt Nam để thực hiện việc thử nghiệm và điều chỉnh các bộ PSS. Trong khi, chỉ tính riêng các tổ máy thuộc EVN và các tổng công ty phát điện trực thuộc EVN phải thử nghiệm hàng năm đã lên tới khoảng hơn 50 tổ máy. Điều này cho thấy, việc làm chủ công nghệ thử nghiệm và điều chỉnh bộ PSS sau đại tu các tổ máy phát điện là vấn đề rất cấp thiết. Hơn nữa, trong bối cảnh các nhà máy điện mặt trời, điện gió (những nguồn điện thiếu tính ổn định) đang chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong tổng công suất nguồn, thì nhu cầu đưa các bộ PSS vào nhằm tăng cường ổn định tin cậy hệ thống điện càng trở lên quan trọng.
Hiện nay, các tổ máy mà EVNPSC được Tập đoàn giao sửa chữa phần lớn thuộc công nghệ của GE, ABB và Andritz, cùng một số hãng khác. Với thành công từ giải pháp “Thử nghiệm và điều chỉnh bộ PSS sau đại tu các tổ máy phát điện”, EVNPSC đã tự thực hiện được việc thử nghiệm và điều chỉnh sau đại tu cho các tổ máy phát điện do hãng GE, Andritz sản xuất. Dự kiến trong năm 2021, EVNPSC sẽ nghiên cứu để có thể tự thực hiện được việc thử nghiệm và điều chỉnh cho toàn bộ các nhà máy EVNPSC được giao quản lý sửa chữa, bảo dưỡng.
Kỹ sư Đào Thanh Oai (bên phải) và kỹ sư Hoàng Hải thực hiện thử nghiệm điều chỉnh bộ PSS tổ máy H2 Thuỷ điện Huội Quảng. Ảnh: NVCC.
“Cha đẻ” của giải pháp này là kỹ sư trẻ Đào Thanh Oai (sinh năm 1986). Ngay từ năm 2017, khi đang làm việc tại Công ty Thủy điện Sơn La, kỹ sư Đào Thanh Oai đã mày mò tìm hiểu và nghiên cứu giải pháp thử nghiệm và điều chỉnh bộ PSS. Thực tế, việc này được xem là khó khả thi, vì các hãng sản xuất khác nhau thì thông số kỹ thuật của tổ máy, thiết bị cũng khác nhau.
Dù rất nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhưng kỹ sư Đào Thanh Oai chưa bao giờ nản chí. Tháng 4/2019, khi Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) được thành lập (đơn vị dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện trực thuộc Công ty mẹ - EVN), kỹ sư Đào Thanh Oai cũng được chuyển về công tác tại phòng Kỹ thuật và An toàn thuộc EVNPSC. Trong môi trường làm việc mới, chàng kỹ sư trẻ lại càng có thêm nhiều “đất” để dụng võ. Với quyết tâm gỡ “bài toán khó” này, tháng 02/2020, nhóm nghiên cứu gồm kỹ sư Đào Thanh Oai, kỹ sư Hoàng Hải tiếp tục phối hợp với Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thực hiện thử nghiệm và điều chỉnh bộ PSS đối với tổ máy H2 của Thuỷ điện Huội Quảng và đã thành công.
Theo ước tính của EVNPSC, khi Trung tâm tự thực hiện công việc này sẽ làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông Phan Đình Hòa - Giám đốc EVNPSC cho hay, việc thí nghiệm thành công hệ thống PSS tại Nhà máy Thuỷ điện Huội Quảng của kỹ sư Đào Thanh Oai và các đồng nghiệp là điểm nhấn trong công tác phát huy nguồn lực tại EVNPSC. Điều này cũng chứng minh khả năng của kỹ sư Việt Nam khi không được Nhà sản xuất chuyển giao công nghệ, mà vẫn tự chủ thí nghiệm thành công. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc chủ động thử nghiệm hệ thống PSS giúp cho EVNPSC hoàn thành tốt công đại tu tại các nhà máy thuỷ điện, không lệ thuộc vào chuyên gia của Nhà sản xuất.
Ông Hòa cũng cho hay, Ban lãnh đạo EVNPSC luôn động viên khuyến khích các kỹ sư, công nhân trong công tác phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trung tâm cũng sẽ khen thưởng kịp thời cho CBNV có ý tưởng, giải pháp tốt như giải pháp của kỹ sư Đào Thanh Oai đã nghiên cứu.
Kỹ sư Đào Thanh Oai:
- Sinh ngày: 10/01/1986.
- Chức vụ hiện tại: Chuyên viên phòng Kỹ thuật và An toàn, Bí thư Chi đoàn Cơ quan Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN.
- Một số thành tích đạt được:
+ Được vinh danh tại Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần thứ III năm 2020;
+ Bằng khen của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2019;
+ Giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ ngành Điện lực Việt Nam năm 2019 về lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng vận hành Hệ thống điện.
- Một số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiêu biểu:
+ Giải pháp điều chỉnh các bộ PSS (PSS-Power System Stabilizer) năm 2020.
+ Giải pháp phân tích xử lý dữ liệu trong thử nghiệm PSS tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình năm 2020.
+ Giải pháp Phương pháp định vị sự cố xác định tổng trở thứ tự thuận và thứ tự không của đường dây truyền tải điện dựa trên bản ghi rơle từ hai đầu đường dây năm 2019.
+ 3 giải pháp kỹ thuật được công nhận và áp dụng vào sản xuất tại Nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu các năm 2014, 2017, 2018.
|
Thanh Huyền
Share