GS.VS. TSKH Trần Đình Long - Ảnh: NVCC.
|
“Kiến trúc sư trưởng” của đường dây 500kV mạch 1
Năm 1956, ông là sinh viên K1, Khoa Cơ Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông cũng là 1 trong 20 sinh viên của nhà trường được cử sang Trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (Liên Xô cũ), tiếp tục học đại học từ năm 1959 – 1963. Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Trần Đình Long về giảng dạy tại Khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 1969, ông quay lại Trường Đại học Năng lượng Mátxcơva học nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ năm 1972, luận án Tiến sĩ khoa học (TSKH) năm 1978.
Công trình đường dây 500kV cung cấp điện cho miền Trung và miền Nam đã được ông cùng một số nhà khoa học đề xuất từ rất sớm (cuối những năm 70 của thế kỷ XX, trong thời gian thực tập khoa học chuẩn bị cho luận án TSKH ở Liên Xô, ông đã có ý tưởng này khi nghiên cứu về công trình thuỷ điện Hoà Bình) nhưng chưa có điều kiện để thực hiện.
Đầu năm 1992, tình hình thiếu điện ở miền Trung và miền Nam đã trở nên nghiêm trọng. Ở miền Bắc, các tổ máy Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình lần lượt được đưa vào vận hành, thừa điện phải xả bớt nước. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đồng ký khởi công dự án xây dựng đường dây 500kV để cấp điện cho miền Trung và miền Nam. Ông được giao nhiệm vụ làm cố vấn kỹ thuật cho Bộ Năng lượng thực hiện dự án này.
“Tôi nhớ, có một lần họp xong, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi tôi lại. Thủ tướng nói: “Thực ra, đội ngũ trí thức của ta rất lắm ý kiến. Không chỉ ý kiến phát biểu tại hội nghị, mà là ý kiến viết bằng văn bản hẳn hoi gửi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước bày tỏ sự không đồng tình đối với công trình này”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long nhớ lại.
Tựu trung lại có 3 vấn đề chính cần phải làm rõ: Thứ nhất, dự án có khả thi về mặt kĩ thuật không? Thứ hai, về hiệu quả kinh tế sẽ như thế nào khi bỏ ra khoảng 500 triệu USD – một con số lớn đối với ngân sách quốc gia lúc bấy giờ - để xây dựng? Thứ ba, vấn đề an ninh, an toàn của đường dây 500kV sẽ được giải quyết ra sao trên chiều dài gần 1.500km, đặc biệt đi qua dãy Trường Sơn, có những đoạn đi sát biên giới Lào, Campuchia?
Là một nhà khoa học, GS.VS.TSKH Trần Đình Long đã có những câu trả lời cặn kẽ cho các câu hỏi đó. Ví như, về kĩ thuật, ông có những phân tích cặn kẽ về việc xử lý chênh lệch 1/4 bước sóng bằng năm trạm bù đặt dọc đường dây, mở “nút thắt” để dự án được đồng thuận về mặt kỹ thuật. Với GS.VS.TSKH Trần Đình Long, ngày 27/5/1994, khi đóng điện thành công đường dây 500kV, cũng là thời khắc mà ông cảm nhận được giá trị của những nghiên cứu khoa học mà trước đó, ông đã dày công nghiên cứu.
9 năm tham gia soạn thảo Luật Điện lực 2004
Trước năm 2004, ngành Điện chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ để hoạt động. Từ năm 1996, Chính phủ, Bộ Công thương chủ trương phải xây dựng Luật Điện lực. Khi đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, GS.VS.TSKH Trần Đình Long được cử là đại diện phía ngành Điện tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Điện lực.
Tổ công tác nghiên cứu và soạn thảo Luật Điện lực có 20 người, gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp được thành lập. Ròng rã 9 năm trời, Tổ công tác đã soạn thảo đến 26 phiên bản dự thảo Luật Điện lực. “Có những câu chữ trong dự thảo, chúng tôi viết chuẩn rồi, nhưng ra hội nghị lại bắt bẻ, thảo luận hàng năm trời, cuối cùng quay lại phiên bản ban đầu. Đến năm 2004, Luật Điện lực chính thức được Quốc hội thông qua”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long kể lại.
Theo đánh giá, chưa có Tổ soạn thảo về văn bản Luật nào mà công phu tìm hiểu nhiều tài liệu, đi khảo sát thực tế nhiều như khi xây dựng Luật Điện lực. Khi Việt Nam xây dựng Luật này, WordBank (Ngân hàng Thế giới) cũng rất quan tâm. Đã không ít lần chuyên gia của WordBank có những định hướng đúng đắn cho Tổ công tác tiếp cận những quốc gia có Luật Điện lực chứa đựng tinh thần ưu việt như Đức, Mỹ, Chi lê… Điều đó cho thấy, thế giới cũng muốn ngành Điện Việt Nam phát triển trong khung pháp lý tốt.
Vĩ thanh
Đã trọn vẹn trách nhiệm của một nhà khoa học khi tham gia vào công trình đường dây 500kV, đã dành bao công phu, tâm huyết khi 9 năm liền tham gia soạn thảo Luật Điện lực 2004, nhưng GS.VS.TSKH Trần Đình Long khẳng định, đóng góp có ý nghĩa và rất lâu dài của cuộc đời ông là tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Điện.
“Tôi nghĩ, điều may mắn nhất của tôi là trên khắp đất nước Việt Nam này, đâu cũng có học trò cũ của mình. Không có gì quý hơn đối với người thầy, khi được gặp lại học trò cũ. Có nhiều ngưởi rất thành đạt. Riêng trong ngành Điện, rất nhiều người là học trò của tôi, từ lãnh đạo Tập đoàn cho đến lãnh đạo các đơn vị. Có những người mà tôi giảng dạy từ khi còn là sinh viên đại học, đến cao học, rồi bảo vệ tiến sĩ cũng là tôi hướng dẫn. Tôi nghĩ đó là niềm vui và tự hào lớn nhất của tôi trong các đóng góp cho ngành Điện” - GS.VS.TSKH Trần Đình Long chia sẻ.
Giờ đây, ở tuổi xưa nay hiếm, GS.VS.TSKH Trần Đình Long vẫn miệt mài làm việc. Bày tỏ niềm mong mỏi của mình với EVN, ông mong Tập đoàn xác định được “chiến lược của mọi chiến lược” chính là con người, bao gồm các nhà quản lý vững vàng, các thế hệ kĩ sư giỏi, công nhân lành nghề. Đó là mấu chốt để xây dựng ngành Điện trong thời kỳ khoa học và công nghệ đang phát triển vượt bậc.
GS.VS. TSKH Trần Đình Long:
- Sinh năm: 1938
- Cố vấn kỹ thuật cho Bộ Năng lượng về xây dựng công trình đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 (1991 – 1994).
- Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam (1995 – 1998).
- Trưởng ban soạn thảo Luật Điện lực (2004)
- Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam từ (1990 đến nay).
Một số phần thưởng cao quý nhất:
- Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
- Huân chương Lao động hạng Nhất.
- Huân chương Lao động hạng Ba.
- Nhà giáo ưu tú.
|
Kiều Anh
Share