
Chị Huỳnh Thị Mỹ An với hằng trăm lần hiến máu cứu người, đã nhận được nhiều bằng khen của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
|
Chị Huỳnh Thị Mỹ An (Tổng công ty Điện lực Hà Nội):
“Sống là cho, chết cũng là cho”
Tôi bắt đầu hiến máu từ năm 2010, khi một người thân trong gia đình phải phẫu thuật gấp và cần truyền máu.
Giây phút chờ đợi từng giọt máu để giành lại sự sống cho người thân khiến tôi không thể nào quên. Khi đó tôi nhận ra, biết bao người khác ngoài kia cũng đang mong chờ những giọt máu quý giá từng giây, từng phút.
Từ một hành động rất riêng, rất cá nhân, hiến máu dần trở thành một thói quen trong cuộc sống của tôi và cả gia đình. Đến nay, đã có gần 50 người trong đơn vị tôi cùng tham gia hiến máu, điều đó khiến tôi thực sự xúc động và biết ơn.
Năm 2019, tôi quyết định đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Sống là cho, chết cũng là cho”, tôi tâm niệm sống thì trọn vẹn, khi rời đi nếu có thể cho đi điều gì đó là hạnh phúc.
Tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ một giọt máu cho đi, một quyết định tử tế hôm nay có thể cứu sống một con người vào ngày mai.

Với gần 50 lần hiến máu, anh Phạm Thanh Quang là một trong 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024
|
Anh Phạm Thanh Quang (Công ty Điện lực Đồng Tháp, Tổng công ty Điện lực miền Nam):
Kỷ niệm không thể nào quên
Đầu năm 2014, tôi cùng anh Đào Hữu Phú và anh Lưu Hoàng Tấn đã lập nên nhóm thiện nguyện “Máu và năng lượng” của Đội Quản lý điện Lấp Vò - Công ty Điện lực Đồng Tháp (trước đây là Điện lực Lấp Vò). Hơn 10 năm qua, nhóm đã phát triển lên hơn 30 thành viên, tất cả đều đang công tác tại Đội Quản lý điện Lấp Vò. Chúng tôi đã đóng góp gần 400 đơn vị máu và quyên góp, hỗ trợ hơn 80 triệu đồng cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Một trong những kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi, là lần đến hỗ trợ một gia đình khó khăn có 3 cháu bé cùng mắc bệnh về máu ở xã Mỹ An Hưng, tỉnh Đồng Tháp (trước là xã Mỹ An Hưng A). Các cháu phải định kỳ truyền máu tại TP Hồ Chí Minh để duy trì sự sống. Cháu lớn nhất mới hơn 10 tuổi, cháu bé chập chững biết đi. Mỗi lần truyền máu tốn hơn 4 triệu đồng. Đó là số tiền quá lớn với gia đình, trong khi chỉ có bà ngoại một mình chăm sóc cả 3 đứa trẻ, vì cha mẹ đi làm thuê xa nhà. Khi chúng tôi đến, các cháu đang đau đớn, xanh xao vì đã trễ lịch truyền máu do không có tiền. Hoàn cảnh đáng thương ấy khiến chúng tôi không thể cầm được nước mắt. Chúng tôi quyết định hỗ trợ gia đình một khoản tiền để các cháu lập tức lên TP. Hồ Chí Minh truyền máu. Không dừng lại ở đó, nhóm còn đứng ra kết nối mạnh thường quân, kêu gọi thêm nguồn lực để hỗ trợ lâu dài cho các cháu. Một phần quỹ của nhóm cũng được trích ra định kỳ để phụ giúp chi phí đi lại và viện phí cho ba chị em.

Chị Bùi Thị Thu Hường đã 49 lần hiến máu tình nguyện
|
Chị Bùi Thị Thu Hường (Trung tâm Truyền thông và Thông tin Điện lực):
Chuyến xe đêm và giọt máu nghĩa tình lúc 2 giờ sáng
Hơn 10 năm trước, tôi vừa "chân ướt chân ráo" xuống Hà Nội. Đêm ấy, lướt Facebook trong một hội nhóm hiến máu, tôi đọc được lời kêu gọi gấp: một em bé đang cần nhóm máu O để mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Dù lúc đó là một giờ sáng và "mù tịt" đường sá, tôi vội mượn xe máy của bạn tìm đường đến Bệnh viện. Cứ chạy một đoạn, tôi lại phải dừng để lấy điện thoại ra xem bản đồ, vậy mà vẫn... rẽ nhầm 2-3 lần mới tới nơi.
Nhân viên y tế lập tức dẫn tôi vào thử máu và lấy máu luôn. Xong xuôi, tôi mệt lả, phải ngồi nghỉ một lúc mới có thể lái xe về nhà.
Hôm sau, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người nhà cháu bé. Họ xúc động, cảm ơn vì sự hỗ trợ kịp thời của tôi và những người đã đến hiến máu trong đêm. Em bé đã được mổ thành công. Họ xin địa chỉ để đến cảm ơn nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ đây là việc ai cũng nên làm.
Từ đó đến nay, tôi đều đặn tham gia các ngày hội hiến máu tại cơ quan và các cơ sở y tế. Mỗi lần ngồi chờ đến lượt hiến máu, tôi lại nhớ đến câu chuyện đêm đó và luôn tự hào vì mình đã có quyết định đúng.

Anh Trần Minh Lương đã 29 lần hiến máu
|
Anh Trần Minh Lương (Tổng công ty Phát điện 2):
Trong khó khăn, con người vẫn chọn yêu thương
Giữa năm 2021, cao điểm của đại dịch COVID-19, khắp nơi là tin tức về các ca nhiễm tăng nhanh, bệnh viện quá tải, máu dự trữ luôn thiếu hụt. Nhiều điểm hiến máu phải tạm dừng vì người dân hạn chế ra đường. Giữa lúc đó, tôi cùng anh em trong Đoàn cơ sở Tổng công ty Phát điện 2 đã quyết định tổ chức buổi hiến máu nhân đạo giữa "mùa giãn cách".
Khó khăn chồng chất khi chúng tôi phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch: từ xin phép, phân luồng người đến, bố trí giãn cách, sát khuẩn, khẩu trang và vận động người tham gia. Dưới sự động viên từ Ban lãnh đạo Tổng công ty, sự hỗ trợ các phòng ban và đặc biệt hình ảnh bệnh nhân đang nằm chờ từng đơn vị máu đã tiếp thêm động lực để chúng tôi đẩy nhanh tiến độ hơn. Hôm đó, tôi cũng xung phong hiến máu, với vô vàn cảm xúc khó nói thành lời. Giữa không gian im lặng chỉ có những ánh mắt nhìn nhau đầy tin tưởng và sẻ chia, tôi thấy rõ hơn bao giờ hết ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”.
Kết thúc chương trình, 105 đơn vị máu được trao đi, không nhiều nếu nhìn bằng con số, nhưng là vô giá khi cảm nhận bởi trái tim. Với tôi, đó là lần hiến máu đáng nhớ nhất bởi nó không chỉ là sự sẻ chia, mà là minh chứng cho niềm tin khi khó khăn nhất, con người vẫn chọn yêu thương.

Hoạt động năng nổ trong phong trào hiến máu tình nguyện, chị Trần Thị Ngọc Thu đã được Công ty Điện lực Hà Tĩnh tuyên dương
|
Chị Trần Thị Ngọc Thu (Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc):
Hiến máu cứu thai phụ
Sáng 29/3/2025, khi đang làm việc tại Điện lực Hương Sơn (cũ), tôi nhận được thông tin khẩn có một thai phụ tại Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn nguy kịch đang cần truyền gấp nhóm máu O. Nhận thông tin, tôi đã xin phép cơ quan, lập tức có mặt tại bệnh viện để hiến máu cứu người.
Tại dãy hành lang dài lạnh ngắt tại bệnh viện, các y bác sỹ đang bồn chồn lo lắng. Ngay khi vừa thấy tôi, họ vội đưa vào nơi xét nghiệm. Cô y tá tóm tắt tình hình, thai phụ L.T.X nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, choáng váng. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung vỡ và chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, cần truyền gấp máu nhưng người nhà bệnh nhân không có nhóm máu phù hợp.
Sau xét nghiệm lâm sàng, tôi đủ điều kiện để hiến máu cho bệnh nhân. Dưới sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, bệnh nhân đã qua vượt qua cơn nguy kịch và ổn định sức khoẻ.
Tôi vô cùng hạnh phúc vì những giọt máu của mình đã cứu sống một người mẹ và lan tỏa tinh thần "tương thân tương ái", nghĩa cử cao đẹp “thương người như thể thương thân", nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ nhân viên ngành Điện với cộng đồng.
Khiếu Quân (thực hiện)
Share