Tại Chỉ thị số 08 nêu, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, công tác phòng, chống lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác phòng, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại, hạn chế, điển hình là cơ chế phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước; việc quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều hạn chế; cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa được khắc phục kịp thời; thị trường lao động phát triển chậm, chính sách lao động, tiền lương, an sinh xã hội chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập trong thực thi; thu hút và trọng dụng nhân tài chưa hiệu quả, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống lãng phí, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Chi tiết Chỉ thị số 08 tại đây.
P.N
Share