Mưa lớn do bão đã gây lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Hà Bắc và các thành phố vùng thấp xung quanh thủ đô Bắc Kinh, nhưng nơi cần nước nhất là các nhà máy thủy điện phía Nam thì vẫn khô hạn, khiến cho sản lượng thủy điện vẫn tiếp tục giảm và buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhiệt điện than.
Trung Quốc đạt sản lượng 121 tỷ kilowatt giờ (kWh) từ thủy điện vào tháng 7 năm 2023, giảm so với 146 tỷ kWh của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Tình trạng này đẩy sản lượng điện từ nhiệt điện tăng lên mức kỷ lục 600 tỷ kWh vào tháng 7 năm 2023, tăng 44 tỷ kWh so với mức 556 tỷ kWh cùng thời gian năm ngoái.
Bão Doksuri gây ngập lụt ở nhiều tỉnh miền bắc Trung Quốc. Ảnh sưu tầm.
|
Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh sản xuất điện từ các trang trại điện gió (tăng 16 tỷ kWh) và trang trại điện mặt trời ( tăng 5 tỷ kWh) so với tháng 7 năm 2022.
Tuy nhiên, nhiệt điện vẫn là “cứu cánh” cho đất nước tỷ dân khi mà mức phụ tải so với cùng kỳ năm 2022 đã tăng hơn 40 tỷ kWh.
Trung Quốc tiếp tục dựa vào trữ lượng than nội địa khổng lồ để đảm bảo an ninh năng lượng. Sản lượng than nội địa đã tăng lên mức kỷ lục 2,672 triệu tấn (năm 2022 là 2,562 triệu tấn). Nhập khẩu than cũng tăng lên mức kỷ lục 261 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm 2023 (năm 2022 là 139 triệu tấn).
Phần lớn nguồn thủy điện của Trung Quốc tại các tỉnh dọc theo hệ thống sông Dương Tử và xa hơn về phía Nam. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ riêng hai tỉnh phía Tây Nam là Tứ Xuyên và Vân Nam đã chiếm gần một nửa (48%) sản lượng thủy điện của cả Trung Quốc năm 2020.
Các khu vực này đã trải qua thời gian dài có lượng mưa thấp hơn nhiều so với mức trung bình kể từ giữa năm 2022, làm cạn kiệt nghiêm trọng lượng nước của các hồ thủy điện.
Dự báo, tình trạng giảm sản lượng thủy điện ở Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn ít nhất đến giữa năm 2024, khiến nhiệt điện than, sản xuất than và nhập khẩu than sẽ còn tăng hơn nữa.
Minh Thanh (Lược dịch theo Reuters)
Share