Niềm vui ngày có điện
Ông Nguyễn Văn Ninh, một người lớn tuổi ở làng Tân Định, bày tỏ: Mấy chục năm nay, không biết bao nhiêu lần, tôi và người dân đề xuất lên huyện, tỉnh để xin đầu tư lưới điện về làng Tân Định nhưng không được. Chừng ấy thời gian, chúng tôi phải sống cuộc sống thiếu thốn, vất vả vì thiếu điện. Đến gần cuối đời, được chứng kiến cảnh lưới điện quốc gia về tận làng, tôi xúc động đến rơi nước mắt, nhiều đêm không ngủ được vì vui mừng, khấp khởi.
Chị Trần Thị Dung, một người dân ở làng Tân Định, tâm sự: Năm 19 tuổi, tôi theo chồng về lập nghiệp tại làng Tân Định. Từ đó đến nay, chúng tôi phải sống thiếu thốn đủ thứ vì thiếu điện. Từ khi sinh ra, con tôi đã phải làm quen với ánh đèn dầu, cái quạt mo, bếp củi và hầu như chẳng biết đến những tiện ích khi có điện. Đến khi cuộc sống đỡ khó khăn, mua được cái đèn tích điện, quạt sạc cho con học bài thì vợ chồng tôi thay nhau chạy gần 7km mới có nguồn điện sạc. Nay có điện, tôi thực sự phấn khởi và hạnh phúc. Tôi đã mua sẵn nồi cơm điện để chuẩn bị nấu cơm. Còn các vật dụng khác thì tôi sẽ mua sắm dần.
Còn với gia đình chị Ánh Lai, vì cuộc sống mưu sinh nên chị phải vào làng Tân Định trồng lúa, nuôi bò, trong khi nhà chị lại ở cách đó hơn 10km. Vợ chồng chị phải thay nhau chạy đi chạy về để vừa sản xuất, vừa chăm lo cho con đi học. Chị Lai chia sẻ: Tôi cũng muốn chuyển hẳn nhà về Tân Định ở để yên tâm làm ăn, nhưng vì không có điện, không có điều kiện tốt cho con học tập nên đành chọn cảnh sống hai nơi. Nay có điện, vợ chồng tôi sẽ chuyển hẳn về Tân Định ở, mở rộng diện tích trồng trọt, chuyển đổi cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Điện về, cả làng Tân Định đều vui mừng, phấn khởi và nô nức chờ đợi. Mọi người bảo nhau tự phát dọn cây cối, hiến đất trồng trụ điện và tạo mọi điều kiện cho ngành Điện làm đường dây kéo điện về trong thời gian sớm nhất.
Nhiều gia đình còn hào hứng rủ nhau đi mua sắm trước các thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, đèn điện, dây điện… để khi có điện là có sẵn sàng thiết bị trong nhà để sử dụng. Người dân làng Tân Định đều kỳ vọng điện về sẽ giúp bà con mở mang kiến thức, tạo điều kiện mở rộng và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống những thế hệ sau.
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt (áo tối màu) thăm hỏi, chia sẻ niềm vui có điện với một hộ dân ở làng Tân Định
|
Công trình nhỏ, ý nghĩa lớn
Công trình cấp điện cho làng Tân Định được khởi công và hoàn thành chỉ trong 35 ngày, nhưng đã mang lại nhiều ý nghĩa cho địa phương và người dân nơi đây.
Ông Phạm Phi Lệnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây, cho biết: Đưa điện về nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo động lực cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo. Dự án đưa điện về với làng Tân Định không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của xã, mà còn mở ra nhiều hướng làm ăn mới cho người dân; tạo điều kiện cho người dân có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần cải thiện đời sống.
Thời gian tới, xã Hòa Tân Tây sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân làng Tân Định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Ngoài ra, khu vực này có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nên địa phương đã định hướng cho bà con phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống người dân.
Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: Hạng mục cấp điện cho làng Tân Định đã được ngành Điện đưa vào dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020, được Bộ Công Thương phê duyệt từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn.
Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết của người dân, Công ty Điện lực Phú Yên đã chủ động tận dụng nguồn kinh phí để đầu tư lưới điện cho làng Tân Định. Hạng mục có tổng mức đầu tư gần 2 tỉ đồng với việc xây dựng mới gần 2km đường dây 22kV, 1km đường dây hạ áp và 1 trạm biến áp 100kVA. Ngoài ra, vì phần lớn hộ dân ở đây đều khó khăn nên Công ty Điện lực Phú Yên đã hỗ trợ lắp đặt miễn phí công tơ và đường dây sau công tơ cho các hộ dân.
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt:
Xét về hiệu quả kinh tế khi đầu tư dự án này thì hoàn toàn không có nhưng công trình này lại có ý nghĩa nhân văn, chính trị rất lớn, giúp tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân. Nhờ vậy, người dân làng Tân Định đã rất đoàn kết, đồng lòng hiến đất, hỗ trợ đơn vị thi công công trình. Với những cơ sở hạ tầng hiện có, chính quyền địa phương cần biết tận dụng để có những hoạch định, kế hoạch phát triển làng Tân Định nói riêng và các khu vực lân cận một cách toàn diện trong thời gian tới, góp phần ổn định và phát triển đời sống người dân, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
|
Theo Báo Phú Yên Online
Share