Tiểu sử sơ lược Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn.
- Sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
- Năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
- Năm 1936, hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
- Tháng 12/1944, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
- Tháng 6/1945, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
- Tháng 8/1945, Đại tướng được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đại tướng được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Tháng 3/1946, Đại tướng là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương.
- Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam.
- Tháng 1/1948, Đại tướng được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
- Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
- Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
- Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
- Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
- Đại tướng liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
- Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
|
Tôi nhớ đó là mùa xuân 1982, khi Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại sắp đi vào hoạt động trong khí thế vui mừng, tự hào của nhân dân cả nước về một công trình Chủ nghĩa Xã hội.
Khi ấy, tôi là một cán bộ kỹ thuật mới ngoài 30 tuổi, làm việc tại Vụ Khoa học Kỹ thuật của Bộ Điện và Than. Một buổi chiều đẹp trời, tôi nhận được điện thoại mời lên gặp lãnh đạo Bộ với mệnh lệnh: “Bộ cử đồng chí sáng thứ sáu đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Nhà máy điện Phả Lại”.
Nhiệm vụ đột ngột này khiến tôi sững sờ, trong lòng nửa mừng, nửa lo. Tôi báo cáo: “Thưa đồng chí Thứ trưởng, tôi chỉ là 1 cán bộ kỹ thuật bình thường, sao đồng chí không cử đồng chí khác?”
Đồng chí Thứ trưởng nói: “Đây là yêu cầu của Đại tướng, cần một cán bộ kỹ thuật am hiểu chuyên môn. Đồng chí là một tiến sỹ chuyên ngành Nhiệt điện là đúng với yêu cầu của Đại tướng đó”.
Đêm hôm đó, tôi hồi hộp, suy nghĩ trằn trọc cả đêm. Đúng 6 giờ sáng hôm sau, tôi có mặt tại Bộ. Chiếc Látđa mầu trắng của Văn phòng Bộ đã chờ sẵn đưa tôi đến nhà Đại tướng ở trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội.
6 giờ 45 phút, cận vệ của Đại tướng ra cổng đưa tôi đến phòng khách. Đó là một căn phòng tĩnh lặng trong khuôn viên đầy hoa và cây xanh cổ thụ. Đồng chí này cho biết: “Đại tướng mời đồng chí uống cà phê, đúng 7 giờ sẽ xuất phát”.
Và đúng 7 giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ thường phục giản dị bước ra. Tôi lặng đi vì xúc động. Lúc đó, Đại tướng tuổi đã cao, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng và ấm áp với nụ cười tươi.
Đồng chí bắt tay tôi và hỏi nhẹ nhàng: “Đồng chí là Tiến sỹ Ngô Đức Lâm phải không?” – “Dạ vâng, thưa Đại tướng, tôi được Bộ cử đi tháp tùng Đại tướng ạ!” – tôi trả lời.
Ngay lúc đó, đồng chí sỹ quan – thư ký riêng của Đại tướng mời Đại tướng lên xe. Tôi lùi lại phía sau. Ngay lúc đó, Người quay lại vẫy tôi lên xe ngồi bên cạnh. Tôi hồi hộp đến mức chẳng nghĩ ra tại sao Đại tướng lại “ưu ái” mình đến vậy. Nhưng ngay khi xe vừa chuyển bánh, Đại tướng đã nói ngay: “Tôi muốn mời đồng chí đi cùng để tôi hỏi và trao đổi về một số vấn đề của Nhà máy trên đường đi, như thế chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian”.
Chỉ trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ trên đường đi, Đại tướng đã tận dụng triệt để thời gian để làm việc, để tìm hiểu tình hình Nhà máy, đỡ mất thời giờ nghe báo cáo tại Hội trường. Và quan trọng nhất là Người dành nhiều thời gian để gặp gỡ công nhân tại hiện trường.
Suốt trên đường đi, Đại tướng đã hỏi rất chi tiết từ thời gian xây dựng Nhà máy? Xây trong bao lâu? Có khó khăn gì? Có những sáng kiến, sáng tạo nào trong quá trình xây dựng? Ống khói xây dựng theo phương pháp “bê tông trượt” có hiệu quả không? Đã nghiệm thu nguội chưa? Có vấn đề gì về kỹ thuật nảy sinh?...
Tôi đã phải cố gắng làm sao trình bày được đủ ý, rõ ý và ngắn nhất để đỡ mất thời giờ của Đại tướng.
Điều lắng đọng nhất trong tôi tới tận giây phút này là đồng chí Đại tướng đặc biệt chú ý về vấn đề công nghệ của Nhà máy. Những câu hỏi mà Đại tướng đặt ra là những câu hỏi ít khi tôi thấy ở các cán bộ cao cấp khác.
Đại tướng hỏi tôi: “Công nghệ đốt lò ở đây có giống với lò hơi của Nhà máy Uông Bí không?”. Tôi hiểu ý của Đại tướng là liệu lò hơi của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có xảy ra tình trạng “đóng xỉ” như Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, có xảy ra việc thường xuyên ngừng lò do sự cố đóng xỉ, có xảy ra tai nạn cho thợ đốt không?
Để trả lời những câu hỏi của Đại tướng, tôi đã vận dụng rất nhiều từ và kiến thức chuyện môn của ngành Nhiệt học như nhiệt độ nóng chảy của than atraxit ra sao, chế độ khi khởi động thế nào, gió cấp 1, cấp 2 và kinh nghiệm hiệu chỉnh của kỹ sư nhà máy đã có được như thế nào.
Đại tướng rất chú ý lắng nghe, thỉnh thoảng lại “vặn” tôi để tôi giải thích kỹ lưỡng hơn. Qua trao đổi, tôi hiểu rằng, đồng chí muốn đánh giá công nghệ của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đến đâu, có thực sự hiện đại không, có phải là công nghệ thải ra từ các nước tiên tiến không,…
Đại tướng trăn trở tại sao điện tự dùng của Nhà máy vẫn còn cao, liệu khói từ Nhà máy thải ra xung quanh có còn nhiều bụi không, có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và hoa màu, ruộng nương của bà con đang sống xung quanh Nhà máy hay không.
Những câu hỏi, băn khoăn của Đại tướng làm tôi sững sờ, đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, làm sao Đại tướng lại đủ kiên nhẫn nghe và hỏi những vấn đề chuyên môn sâu tường tận đến như vậy mà thường chỉ diễn ra trong các cuộc trao đổi mang tính chuyên ngành.
1 tiếng đồng hồ trôi qua rất nhanh, xe đã tới phà Sao Đỏ nối sang địa phần huyện Sao Đỏ, gần Nhà máy. Ở đây, các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hải Hưng, lãnh đạo của Bộ, lãnh đạo công trường Nhà máy và các chuyên gia Liên Xô đã chờ sẵn hân hoan đón mừng Đại tướng. Đây là một chuyến đi không theo nghi thức, nhưng khi biết Đại tướng tới thăm, cả công trường náo nhiệt hẳn lên. Nhiều công nhân đang làm việc ở các tầng cao cũng tụt ngay xuống đất hòa vào đoàn người tiếp đón, vỗ tay hô chào mừng Đại tướng với tất cả tấm lòng tôn kính và chân thành nhất.
Đứng hòa lẫn trong đoàn người, tôi cũng trào nước mắt khi chứng kiến tình cảm của anh chị em cán bộ, công nhân trên công trường dành cho vị Đại tướng đáng kính. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại những hình ảnh đó, tôi vẫn rất xúc động…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Sáng kiến của Bộ Điện Lực - Ảnh Tư liệu
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân cách lớn, chiếm trọn tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân về tài năng và đức độ của Người. Riêng trong lĩnh vực Năng lượng, vấn đề tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng công nghệ tiêu tốn ít điện năng cho tới nay vẫn luôn là vấn đề thời sự đang được các nhà khoa học, các nhà làm chính sách tại Việt Nam trao đổi, thảo luận.
Tiến sỹ Ngô Đức Lâm - Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra giám sát an toàn, Bộ Công nghiệp, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Năng Lượng
|
"Sáng 5/10 vừa qua, tôi ra sạp báo như thường lệ. Trang nhất các báo hôm đó đồng loạt đưa tin Đại tướng đã về cõi thiên thu. Cầm vài tờ báo quen thuộc trên tay, tim tôi như nghẹt thở, bàng hoàng quá, đau xót quá dù vẫn biết quy luật muôn đời không thể đổi khác!" |
Những nội dung sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, hay những quyết sách lớn trong an ninh năng lượng quốc gia đều đặt ra những yêu cầu phải nhanh chóng thay thế các công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất thép, xi măng, hóa chất... Trong suy nghĩ của tôi, hơn 30 năm trước, Đại tướng đáng kính của chúng ta đã đề cập không ít đến điều đó trong hành trình vỏn vẹn gần 1 giờ đồng hồ về thăm Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
Từ ngày ấy, Đại tướng đã quan tâm đến việc làm sao để Nhà máy có điện tự dùng tiết kiệm nhất, làm sao công nghệ Nhà máy điện tuốc bin nồi hơi phải có công suất tiêu hao nhiên liệu thấp nhất, phải chú ý đến công nghệ hiệu chỉnh để tuốc bin không bị rung, lò hơi không bị đóng xỉ để Nhà máy được vận hành an toàn, liên tục, cung cấp điện tốt nhất cho nền kinh tế quốc gia, cho công cuộc công nghiệp hóa nước nhà.
Suy nghĩ mãi, tôi vẫn không hình dung nổi tại sao một vị Đại tướng với những chiến công lẫy lừng đất nước, vang dội địa cầu, suốt đời bận rộn với binh nghiệp lại có thể am hiểu, quan tâm tới những vấn đề cốt lõi, chủ chốt của nền kinh tế mà ở đây là vấn đề điện lực và năng lượng.
Những suy nghĩ, chỉ bảo của Đại tướng thời bấy giờ là những vấn đề nóng hổi của hiện tại, những vấn đề thuộc về chiến lược quốc gia.
Phải chăng, đó là tầm nhìn của những người kiệt xuất?
(LTS: Quý vị độc giả có thể chia sẻ những kỷ niệm hoặc suy nghĩ, cảm xúc của mình hoặc hình ảnh tư liệu liên quan đến ngành Điện với cố Đại tướng và gửi về cho ban biên tập website theo địa chỉ: trungtamthongtindienluc@gmail.com)
TS. Ngô Đức Lâm
Share