10 năm đảo ngọc bừng sáng

Năm 2013 là một dấu mốc lịch sử với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cô Tô khi điện lưới quốc gia được đưa ra đảo, mở ra một giai đoạn phát triển mới của nơi hải đảo Đông Bắc Tổ quốc. Tròn 10 năm hòa cùng ánh sáng điện lưới quốc gia, huyện đảo khó khăn thiếu thốn trăm bề nay đã trở thành hòn ngọc sáng vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Một quyết sách chiến lược

Sau 350 ngày thi công, đúng 18h ngày 16/10/2013, Dự án kéo điện lưới bằng cáp ngầm ra huyện đảo xa bờ đầu tiên trong cả nước với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng đã chính thức đóng điện trong niềm vui vỡ òa của người dân Cô Tô và cả tỉnh Quảng Ninh.

Hành trình đưa điện lưới ra đảo là cả một quá trình gian lao vất vả, kéo điện lưới trên đất liền đã khó, kéo ra đảo càng khó khăn gấp bội. Quy mô dự án gồm hơn 27,5km đường dây 110kV 2 mạch; 22km đường dây trên không 22kV; 23km đường cáp ngầm; 8 trạm cắt 22kV; 12 trạm biến áp và 34km đường dây hạ áp. Các đoạn đường dây trung áp 100kV được thả dây bằng khinh khí cầu, còn độ sâu đáy biển để hạ cáp ngầm trung bình là 29m.

Trạm biến áp phân phối 22/0,4kV tại thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến là nơi đón nhận nguồn điện đầu tiên lên đảo Cô Tô.

Để kéo điện lưới ra đảo là một thách thức lớn khi khoảng cách cáp ngầm dưới biển có chỗ dài nhất là 25km (giữa đảo này với đảo khác). Công nghệ kéo cáp ngầm dẫn điện dưới đáy biển khi đó còn rất mới mẻ và gần như chưa có ở Việt Nam. Quá trình thi công tuyến cáp ngầm xuyên biển sử dụng robot để chôn trực tiếp cáp ngầm dưới đáy biển. Đơn vị kỹ thuật phải sử dụng robot để cắt đá, đào bề mặt đáy biển xuống sâu khoảng 1,5 - 2m, rồi thợ lặn hạ dây cáp xuống khe mới đào, sau đó đặt một loại vật liệu đặc biệt phủ lên trên để bảo vệ bó cáp ngầm. Đây cũng là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22kV dưới đáy biển.

Nhiều người dân Quảng Ninh không thể quên một đợt vận động đóng góp rất sôi động và ý nghĩa thông qua chương trình “Chung tay thắp sáng biển đảo Cô Tô”. Mỗi cán bộ công chức trên toàn tỉnh góp 1 ngày lương của mình. Tỉnh cũng kêu gọi người dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, thậm chí là cả những người Quảng Ninh xa quê tham gia đóng góp. Số tiền còn lại được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình đưa điện lưới ra đảo Cô Tô đã nhận được sự ủng hộ tài trợ của rất nhiều tập thể, cá nhân với số tiền trên 270 tỷ đồng.

Đó là dấu ấn của sự hòa hợp giữa ý Đảng với lòng dân, khi chủ trương lớn nhận được sự đồng thuận. Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô là một trong những dự án điển hình cho thấy ý nghĩa trong câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dễ trăm lần, không dân cũng chịu/ Khó vạn lần, dân liệu cũng xong.

Cô Tô - Tương lai phát triển

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới ra đảo Cô Tô vào năm 2013. Với sự kiện này, Cô Tô trở thành huyện đảo đầu tiên trên cả nước có điện lưới. 18h, ngày 16/10/2013 sẽ mãi là thời khắc lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Cô Tô, khi dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu này của Tổ quốc.

Sau đó, ngày 2/9/2020, đảo Trần cũng đã hòa chung niềm vui thụ hưởng nguồn điện lưới quốc gia, điều tưởng chừng như xa vời ấy đã thành hiện thực. Chỉ sau hơn 3 năm có điện, đến đảo Trần hôm nay, nhiều người phải ngạc nhiên khi cuộc sống người dân trên đảo không khác gì ở đất liền, không những đầy đủ vật dụng hiện đại, trang thiết bị tiện nghi, người dân đã đầu tư xây dựng cả xưởng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.

Có điện lưới, trường học được xây dựng khang trang, trẻ em có điều kiện học tập tốt hơn, người dân cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các công trình đường giao thông, bưu điện, trạm viễn thông... đã hoàn thiện, rút ngắn khoảng cách từ đảo với đất liền.

Đời sống kinh tế ổn định, nhu cầu về văn hóa cũng được quan tâm. Tháng 10/2022, chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây dựng, dự kiến đến cuối tháng 10/2023 sẽ hoàn thiện cơ bản các hạng mục công trình. Chùa sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trên đảo và khách tham quan, đồng thời là cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi biên giới hải đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Chặng đường 10 năm, Cô Tô hôm nay đã mang một diện mạo mới, phát triển vượt bậc, cũng đồng nghĩa với việc mở ra những cơ hội mới cho Cô Tô. Cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình hạ tầng, dự án lớn được đầu tư xây dựng như hệ thống giao thông đồng bộ quanh đảo đang được hoàn thiện; các dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp đang được triển khai.

Huyện đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó có hướng đi đúng đắn đưa ngành dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực, phát triển nhanh, bền vững, kinh tế liên tục tăng trưởng.

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, huyện Cô Tô đón 299.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 748 tỉ đồng, cao gấp 398,3 % so với năm 2013 (đạt 60 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 70 tỉ đồng). Qua đó đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Thiên Minh TMG đã khai thác dịch vụ đường bay thương mại bằng thủy phi cơ ra Cô Tô, sắp tới dự kiến sẽ xây dựng nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo.

Từ có điện lưới quốc gia, diện mạo Cô Tô đã đổi thay nhanh chóng.

Xác định phát triển kinh tế là tiền đề tạo sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thông qua các chủ trương, chính sách, dự án của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động tới cán bộ, đảng viên và người dân. Trong đó, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 khu du lịch huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2040, định hướng đến năm 2050. Huyện đang hoàn thiện xây dựng Huyện Nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Tròn 10 năm đảo ngọc bừng sáng, Cô Tô đang vươn mình đứng dậy, trở thành huyện đảo giàu về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho tầm nhìn chiến lược của một chủ trương đúng đắn, là cơ hội đưa nền kinh tế - xã hội vùng biển đảo phát triển ngày càng nhanh, mạnh và vững chắc, góp phần quyết tâm xây dựng thành vùng kinh tế năng động nơi tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Link gốc


  • 19/10/2023 10:05
  • Theo https://baoquangninh.vn/
  • 6055