Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai từ 19h ngày 07/11 đến 05h ngày 9/11 khu vực Trung Bộ có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Dự báo, từ ngày 9-14/11, các tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, phía Bắc Quảng Nam và Khánh Hòa mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm; khu vực từ phía Nam Quảng Nam đến Phú Yên mưa phổ biến 350-650mm, có nơi trên 800mm.
Từ ngày 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Tính đến sáng ngày 9/11 có 17 hồ thủy điện khu vực miền Trung đang điều tiết qua tràn.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phát biểu kết luận tại cuộc họp
|
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa cho biết trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trong thời gian qua và dự báo tiếp tục mưa lớn thời gian tới, Ban Chỉ huy đã yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong khu vực điều tiết nước xuống hạ du để tạo dung tích phòng lũ, sẵn sàng ứng phó để góp phần cắt, giảm, làm chậm lũ xuống hạ du.
Theo Ban An toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại, các hồ chứa khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lớn đều đang thực hiện theo đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa, dung tích phòng lũ các hồ còn khoảng 470 triệu m3. Hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đang vận hành bình thường.
EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia xem xét, chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành Điện trong việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị. Phối hợp trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt việc kiểm tra các thiết bị sử dụng điện trong quá trình khôi phục cấp điện trở lại sau bão hoặc khu vực ngập sâu trước khi sử dụng lại.
Kết luận tại cuộc họp, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, các hồ chứa đã đầy nước. Chủ động vận hành liên hồ chứa, hồ chứa, dành dung tích đón lũ đảm bảo an toàn công trình và hạ du, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần tiếp tục chú trọng đảm bảo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện trong khu vực. Đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trước, trong, sau khi mưa lũ. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền sử dụng điện an toàn khi khi nước lũ rút.
Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương tuyệt đối không để người dẫn vớt củi hoặc bắt cá sau khi hồ thủy điện xả lũ để tránh tai nạn không đáng có.