Báo cáo PCI 2022: Tiếp cận điện năng là lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực nhất

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 ghi nhận, trong những lĩnh vực được khảo sát liên quan về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các địa phương, Tiếp cận điện năng được các doanh nghiệp đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực nhất.

Lĩnh vực “ghi điểm” với doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những chính sách quan trọng của Chính phủ từ năm 2014 với loạt Nghị quyết 19 trong giai đoạn 2014-2018 và sau đó là loạt Nghị quyết 02 trong các năm 2019-2022.

Đánh giá việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, trong báo cáo PCI 2022 có ghi nhận ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về mức độ chuyển biến ở một loạt lĩnh vực được đề cập trong Nghị quyết 02, cụ thể là: thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư, thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục xuất nhập khẩu (thương mại xuyên biên giới), đảm bảo thực thi hợp đồng và xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (phá sản doanh nghiệp). PCI 2022 ghi nhận, Tiếp cận điện năng là lĩnh vực ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực nhất, với 62,5% doanh nghiệp đánh giá mức độ chuyển biến ở mức Rất tốt/Tốt.

EVN cung ứng điện với độ tin cậy ngày càng cao. Ảnh minh họa

Chỉ số Cơ sở hạ tầng trong PCI 2022 ghi nhận, đánh giá của doanh nghiệp về hạ tầng cơ bản gồm 5 chiều cạnh: (1) Khu công nghiệp, (2) Đường bộ, (3) Điện năng, (4) Viễn thông, (5) Các hạ tầng khác. Đây là năm thứ 6 liên tục, điện năng giữ vững vị trí dẫn đầu tại Chỉ số Cơ sở hạ tầng trong PCI. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp trong nước, chất lượng điện năng cũng là một trong những điểm sáng trong chất lượng cơ sở hạ tầng tại 63 tỉnh, thành phố.

Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lĩnh vực điện năng tiếp tục được đánh giá cao nhất trong chất lượng cơ sở hạ tầng năm 2022. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp mà điện năng được khối doanh nghiệp này đánh giá cao nhất trong chất lượng cơ sở hạ tầng.

Tăng “điểm chạm hài lòng” với khách hàng

Thực tế, trong thời gian qua, EVN đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ điện nói chung và tiếp cận điện năng nói riêng. Đặc biệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh – dịch vụ khách hàng đã đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Đến nay toàn bộ các dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 4, là mức cao nhất của Chính phủ điện tử, đồng thời ngành Điện cũng là ngành đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ của ngành lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Năm 2022, EVN đã ra mắt hệ sinh thái số EVNConnect, hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Với hệ sinh thái số EVNConnect đã giúp mang lại hiệu quả thiết thực như: giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy.

EVN kết nối số với với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các nền tảng khác

Cùng đó, việc EVN cung cấp các dịch vụ điện qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng (app CSKH), các trang thông tin điện tử và qua các mạng xã hội đã tăng cường tiện ích, tính công khai, minh bạch trong sử dụng điện của khách hàng đồng thời giúp tiết kiệm chi phí so với các hình thức thủ công trước đây.

Sự ủng hộ của khách hàng với các dịch vụ điện của EVN được thể hiện qua những con số thuyết phục. Cuối năm 2022, EVN đã tiếp nhận 99,91% các yêu cầu dịch vụ điện qua trung tâm CSKH, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công. Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,37%. EVN đã có trên 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, chất lượng cung cấp điện không ngừng được nâng cao, thời gian mất điện bình quân năm 2022 chỉ còn 267,1 phút (giảm 51,91 phút so với năm 2021). Cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực điện năng liên tục được nâng cấp trong thời gian qua. Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.

Các nỗ lực để cải cách các thủ tục về dịch vụ điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (là 1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.

Sự ghi nhận từ VCCI và cộng đồng doanh nghiệp qua PCI 2022 là động lực quan trọng để EVN tiếp tục cải thiện, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ điện trong thời gian tới.

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 11/4/2023. PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh.

Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên, PCI chính là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

 


  • 12/04/2023 03:00
  • P.Ngọc
  • 4745