Các cơ sở sản xuất điện châu Âu cắt giảm 25% lượng khí thải carbon

Trong vòng 5 năm, từ 2018 đến 2023, các cơ sở sản xuất điện thuộc các nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm được 25% lượng khí thải carbon nhờ cắt giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng nhanh sản lượng điện từ năng lượng tái tạo, thống kê được đưa ra theo báo cáo mới nhất của Ember và Electricmaps.com.

Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trung bình trên mỗi kilowatt giờ (kWh) điện ở 06 nền kinh tế lớn nhất châu Âu gồm: Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan là 253 gram trên mỗi kWh (tính đến hết tháng 11 năm 2023, dữ liệu từ Electricmaps.com).

Tổng lượng khí thải tích lũy đã giảm so với hơn 330 gram trên mỗi kWh vào năm 2018, tương đương với khoảng 25%, cho thấy hoạt động mạnh mẽ của châu Âu trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất điện sang các nguồn năng lượng tái tạo như một phần trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm tổng thể và làm chậm biến đổi khí hậu.

Về mặt trọng tải, 06 nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm được 156 triệu tấn CO2 và các loại khí tương đương trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2018 (Dữ liệu từ Tổ chức tư vấn môi trường và khí hậu của Anh - Ember).

Trong số 06 nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Pháp là quốc gia có lượng khí thải CO2 từ sản xuất điện thấp nhất mặc dù năm 2023, nước này cũng phải tăng cường sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên để sản xuất điện vì các nhà máy điện hạt nhân bị cắt giảm hoạt động. Cụ thể, ngành điện tại Pháp đã thải ra 15 triệu tấn CO2 (44 gram CO2 trên mỗi kWh ) tính đến tháng 11/2023.

CHLB Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là nước đứng đầu về lượng khí thải CO2 trong số 06 nền kinh tế lớn nhất chấu Âu, khi đã thải ra hơn 134 triệu tấn CO2 (419 gram CO2 trên mỗi kWh) từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện, nhiều hơn 9,5 lần so với hệ thống của Pháp. Đức cũng vượt xa những nước xếp kế tiếp về lượng phát thải CO2  trên mỗi kWh là Ý (376 gram), Hà Lan (305 gram), Vương quốc Anh (219 gram) và Tây Ban Nha (154 gram).

Tuabin gió tại trang trại điện gió ở Couffe, thành phố Nantes, Pháp (ảnh REUTERS)

Tuy nhiên, xét trên bình diện toàn châu Âu, cường độ phát thải CO2 của Đức vẫn thấp hơn nhiều nếu so với Ba Lan, nơi ngành điện thải ra 782 gram CO2 trên mỗi kWh điện được tạo ra. Ba Lan cũng là nước có hệ thống điện phụ thuộc vào than lớn nhất châu Âu, với hơn 60% điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.

Dù vẫn là nước phát thải CO2 lớn nhất chấu Âu trong ngành điện nhưng Ba Lan cũng đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm mạnh cường độ phát thải CO2 tổng thể của họ trong những năm gần đây, bằng chứng là so với năm 2018 thì trong năm 2023, Ba Lan cũng đã giảm 18,8% cường độ phát thải CO2 từ sản xuất điện tương ứng 960 gram CO2 trên mỗi kWh xuống 782 gram CO2 trên mỗi kWh. Mức cắt giảm này tương đương quy mô cắt giảm phát thải CO2 ở Đức trong cùng thời kỳ và cao hơn cả Ý (14%).

Với xu hướng mọi nền kinh tế lớn của châu Âu tích cực đẩy mạnh mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo, các chuyên gia dự báo lượng phát thải CO2 của khu vực sẽ tiếp tục giảm ngay trong thập kỷ này và giúp châu Âu nổi lên như một trung tâm toàn cầu về sản xuất điện sạch vào năm 2030. 


  • 15/12/2023 10:56
  • Minh Thanh (Theo Reuters)
  • 3529