Các đường dây truyền tải nguồn năng lượng tái tạo Nam miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục căng thẳng

Với tốc độ phát triển rất nhanh của nguồn điện mặt trời, trong thời gian ngắn làm cho một số đường dây 220kV khu vực Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông luôn vận hành trong tình trạng thường xuyên đầy tải, quá tải vào ban ngày.

Tính đến hết tháng 5/2021, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đấu nối vào lưới điện truyền tải khu vực quản lý của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) và lưới điện phân phối các Công ty Điện lực trong khu vực các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông lên tới 4.093MW, chiếm 36% tổng công suất đặt nguồn điện đấu nối lưới điện khu vực này. 

Công nhân PTC 3 bảo trì bảo dưỡng thiết bị TBA 500kV Vĩnh Tân vào ban đêm, tháng 5/2021

Ông Hồ Công – Phó Giám đốc PTC 3 cho biết: Mặc dù đã giảm huy động nguồn điện trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng vận hành đầy tải nhiều đường dây 220kV. Ngoài ra, một số máy biến áp 500kV cũng xảy ra tình trạng đầy và quá tải như máy biến áp tại trạm biến áp 500kV Đắk Nông, Pleiku 2, Pleiku mang tải từ 94-100%. Cùng với đó, nhiều nhà máy điện gió khu vực Tây Nguyên sẽ đưa vào vận hành tháng 11/2021, sẽ càng gây áp lực quá tải lên các đường dây truyền tải do PTC 3 quản lý. Thực trạng này buộc PTC 3 phải tăng cường các giải pháp vận hành an toàn lưới điện. Trong đó, một số đường dây đầy và quá tải không thể cắt điện vào ban ngày để sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ mà phải thực hiện bố trí cắt điện vào ban đêm (khi điện mặt trời ngừng phát). 

Cũng theo đại diện PTC 3, để giảm áp lực đầy và quá tải lưới điện do nguồn năng lượng tái tạo đấu nối phát triển nhanh, cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối, đường dây 500kV KrôngBuk – Tây Ninh, Trạm biến áp 500kV Krông Buk và đấu nối, đường dây 220kV Sông Ba Hạ - Krông Buk.


  • 04/06/2021 10:00
  • Đinh Liên
  • 4900