Cần thiết xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi): Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng

Chính phủ vừa có văn bản phản hồi với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) về việc tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) để thay thế Luật Công đoàn năm 2012, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn; thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng…

Rà soát tổng thể Luật Công đoàn hiện hành

Chính phủ cho rằng, Luật Công đoàn (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất chứa đựng nhiều nội dung mới, lớn, chưa có tiền lệ.

Hội nghị về tình hình chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) ngày 8.2.2023.

Một trong những lý giải cho sự cần thiết, đồng thời là mục đích, quan điểm chỉ đạo của việc ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) là thể chế hóa Hiến pháp, các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến một loạt vấn đề như: Vấn đề tổ chức, bộ máy, cán bộ, tài chính, tài sản của Công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao (Nghị quyết số 02-NQ/TƯ, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ); vấn đề hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (Nghị quyết số 06-NQ/TƯ); vấn đề vai trò của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động về tiền lương trong quan hệ lao động (Nghị quyết số 27-NQ/TƯ); vấn đề vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ (Chỉ thị số 37- CT/TƯ).

Để thể chế hóa các chủ trương, định hướng nêu trên của Đảng, Chính phủ đề nghị Tổng LĐLĐVN cần rà soát tổng thể Luật Công đoàn hiện hành. Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, luận giải, thuyết minh cụ thể thêm về phạm vi sửa đổi trong mối tương quan với yêu cầu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập trong thực tiễn, hội nhập kinh tế quốc tế để làm sâu sắc thêm sự cần thiết ban hành luật cũng như quan điểm, mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); tiến hành chỉnh lý, củng cố, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc đề xuất các nội dung sửa đổi; tiến hành việc lấy ý kiến các tổ chức, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động khác... để đảm bảo tính khách quan, chất lượng, chặt chẽ khả thi cũng như đảm bảo tốt khâu định hướng truyền thông chính sách ngay từ khâu xây dựng chính sách.

Đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Về bảo đảm tính tương thích của dự án luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xác định rõ tại Tờ trình việc sửa đổi luật lần này phải bảo đảm yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 34 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì cơ quan lập đề nghị xây dựng luật có trách nhiệm nghiên cứu các quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Vì vậy, để bảo đảm dự án luật đáp ứng được các yêu cầu, mục đích đã đặt ra, Chính phủ đề nghị Tổng LĐLĐVN nghiên cứu, bổ sung đánh giá về sự tương thích của các chính sách tại hồ sơ đề nghị xây dựng luật với các tiêu chuẩn, cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam, trong đó, tập trung vào các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA… trong mối tương quan với nguyên tắc công đoàn phải được bảo vệ trước sự can thiệp, thao túng của người sử dụng lao động tại Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949.

Link gốc.


  • 31/03/2023 02:47
  • Theo https://laodong.vn/
  • 4026