Phát biểu tại buổi chia sẻ, Phó Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự EVN Phan Thị Hồng Hạnh cho biết, để từng bước xây dựng hệ thống quản trị tri thức trong EVN, được sự đồng ý của lãnh đạo Tập đoàn, Ban Tổ chức và Nhân sự chủ trương tạo môi trường cho CBCNV toàn Tập đoàn, đặc biệt là các chuyên gia/ ứng viên chuyên gia/cán bộ kỹ thuật chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các vướng mắc hoặc chia sẻ giải pháp tốt nâng cao chất lượng giải quyết công việc thông qua các buổi chia sẻ kiến thức được tổ chức thường xuyên giữa đội ngũ chuyên gia/ ứng viên chuyên gia/cán bộ kỹ thuật/giảng viên nội bộ của các đơn vị.
Phó Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự EVN cũng hy vọng, đây sẽ là hoạt động để đội ngũ chuyên gia/ ứng viên chuyên gia/cán bộ kỹ thuật của EVN xây dựng môi trường học tập, chia sẻ, nhân rộng đội ngũ chuyên gia/ứng viên chuyên gia trong toàn Tập đoàn, đồng thời hướng tới việc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia thế giới trong tương lai về lĩnh vực năng lượng, góp phần đưa EVN trở thành một trong những tập đoàn lớn có chất lượng nguồn nhân lực cao.
Chương trình được diễn ra theo hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.
|
Tại buổi chia sẻ đầu tiên, các đại biểu đã được lắng nghe ông Hoàng Ngọc Hoài Quang - Chuyên gia EVN, Trưởng ban Kỹ thuật Tổng công ty Điện lực miền Trung chia sẻ về hệ thống quản lý lưới điện phân phối – DMS (Distribution Management System). Theo đó, năm 2019, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã hoàn thành công tác nâng cấp phần mềm DMS, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hệ thống DMS, kết nối với hệ thống SCADA và bước đầu đưa vào khai thác 1 số chức năng chính như: Mô hình hóa lưới điện, quản lý cấu trúc lưới điện; phân tích lưới điện, tính toán trào lưu công suất; ước lượng phụ tải và dự báo phụ tải ngắn hạn; tái cấu trúc lưới điện, tìm điểm mở tối ưu theo thời gian thực.
Với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của khách hàng, lưới điện phát triển ngày càng phức tạp, việc triển khai DMS thành công tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế sẽ là một bước tiến quan trọng góp phần từng bước hiện đại hóa và xây dựng lưới điện thông minh tại các công ty Điện lực. Bên cạnh đó, DMS là một hệ thống phần mềm lớn với nhiều chức năng tính toán phức tạp nên việc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư nghiên cứu, khai thác, triển khai hiệu quả phần mềm này là rất cần thiết đối với các đơn vị nói chung và đội ngũ chuyên gia tại các đơn vị nói riêng.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng tìm hiểu về trạm biến áp (TBA) số thông qua phần chia sẻ của ông Kiều Văn Minh, Chuyên gia EVN, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và tự động hóa, Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. TBA số là công nghệ mới được đưa vào sử dung nhằm số hóa toàn bộ việc truyền nhận dữ liệu từ các thiết bị ngoài trời vào trong nhà điều hành. Trạm biến áp kỹ thuật số sẽ giúp tăng độ tin cậy và sẵn sàng cung cấp điện, giảm chi phí bảo dưỡng; tối ưu vận hành thiết bị - nhận biết tình trạng; Loại bỏ nguy hiểm do hở mạch nhị thứ biến dòng điện (CT) và nguy cơ cháy nổ do TBA số sử dụng các biến dòng điện quang (không dùng dầu cách điện); giảm diện tích TBA...
Ngoài ra, các chuyên gia, ứng viên chuyên gia, cán bộ kỹ thuật cũng thẳng thắn thảo luận việc nhân rộng hai mô hình này tại các đơn vị, đồng thời chia sẻ các vấn đề khó khăn khi áp dụng tại đơn vị mình để cùng tháo gỡ.
Năm 2019, EVN đã tạo tài khoản và diễn đàn cho 380 ứng viên chuyên gia trên EVNPortal. Sau 5 năm triển khai, diễn đàn đã trở thành một địa chỉ để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm. Năm 2020, khi triển khai các khóa đào tạo chuyên gia, Ban Tổ chức và Nhân sự EVN cũng đã lập các nhóm Zalo ứng viên chuyên gia theo từng chuyên ngành. Các nhóm này hiện nay vẫn là kênh để các nhóm chuyên gia trao đổi công việc, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng hiện nay, việc tạo ra các diễn đàn chia sẻ trực tiếp để đội ngũ chuyên gia/ ứng viên chuyên gia/cán bộ kỹ thuật của EVN cập nhật kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên, kịp thời và thực tế nhất là vô cùng cần thiết.
Chương trình sẽ được tổ chức thường kỳ, giúp đội ngũ chuyên gia/ứng viên chuyên gia/cán bộ kỹ thuật của EVN thêm gắn kết, xây dựng môi trường chia sẻ tri thức, góp phần là một kênh thông tin trong hệ thống đào tạo số của EVN trong tương lai.