Giấc mơ dài đã thành hiện thực
Làng Canh Giao hiện có 70 hộ với 207 nhân khẩu, chủ yếu là người Chăm Hroi, cuộc sống chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp trên diện tích 1,3 ha lúa nước và 2 ha đất trồng rau, hoa màu các loại. Thu nhập của bà con dựa vào 130 ha cây keo và thù lao nhận giao khoán, bảo vệ rừng.
Cuộc sống khó khăn của đồng bào Chăm Canh Giao diễn ra trong một thời gian dài, bởi lẽ địa thế ở đây như một thung lũng, có địa hình hiểm trở, dù chỉ cách trung tâm xã Canh Hiệp một ngọn đồi nhưng để vào được làng phải đi vòng 35km từ xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm 2022, các cấp chính quyền đã hỗ trợ xây dựng một số đoạn đường bê tông và và một cây cầu để bắt qua suối, giúp người dân Canh Giao phá thế cô lập, tiếp cận dễ dàng hơn với các địa phương khác.
Đầu năm 2024, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định khởi công Dự án cấp điện cho làng Canh Giao mang lại niềm vui khôn tả cho cộng đồng người Chăm ở đây. Điều này không chỉ biến ước mơ từ bao đời nay thành sự thật mà còn mở ra niềm hy vọng về cuộc đổi đời sau gần nửa thế kỷ của một chiến khu cách mạng.
Ngày 26/4/2022, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ khánh thành công trình cấp điện đến làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh từ điện lưới quốc gia. Đây là sự nỗ lực lớn, ngoài ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội còn mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các ngành chức năng tỉnh Bình Định và Tổng Công ty điện lực miền Trung, trực tiếp là Công ty Điện lực Bình Định để đưa điện lưới về cho 72 hộ đồng bào làng Chăm ở huyện miền núi Vân Canh.
Người dân làng Canh Giao vui mừng có điện lưới quốc gia. Nguồn ảnh: Báo Bình Định
|
Tại lễ khánh thành, ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết, công trình đường dây cấp điện làng Canh Giao từ lưới điện quốc gia có quy mô đầu tư xây dựng mới tuyến đường dây 22kV với chiều dài tuyến 6,4 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Phú Yên dài 4,1km, qua tỉnh Bình Định 2,3km; đường dây 0,4kV với chiều dài 1000 m và 1 trạm biến áp 50KVA. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 4,1 tỷ đồng. Công trình hoàn thành, đưa vào vận hành sớm trước 5 tháng (tiến độ duyệt hoàn thành trước 30/9/2024), kịp thời đưa điện lưới quốc gia về Làng Canh Giao, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân trong làng.
Cán bộ, công nhân PC Bình Định đã thành lập đội Thanh niên xung kích, vượt mọi trở ngại về khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, tập trung thi công xây dựng mới 109 vị trí móng và 147 cột trung hạ áp quyết đạt mục tiêu đợt thi đua đặc biệt đưa công trình vào đóng điện vận hành trước ngày 30/4/2024. Công ty đã lắp đặt toàn bộ 72 công tơ điện và hệ thống chiếu sáng cho 72 hộ dân trong làng. Bên cạnh đó, đoàn viên thanh niên, cán bộ kỹ thuật của công ty còn phát tờ rơi, trực tiếp hướng dẫn các hộ dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Canh Giao – đổi đời từ “cái điện”
Bà Đoàn Thị Ca, người Chăm ở làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh chia sẻ: “Bữa nay có cái điện về rồi tôi thấy mừng lắm, vui lắm, đồng bào Chăm ưng cái bụng quá chừng. Có cái điện là có tất cả. Điện nó chui vào tivi làm cho đồng bào mình nhìn được nhiều cái đẹp, nghe được nhiều cái hay, tiếng nói của Đảng đến được với đồng bào nhiều hơn. Có điện ngoài đường, ban đêm sẽ sáng như ban ngày, Đêm hội Raglai năm nay trai gái lũ làng nổi cồng chiêng nhảy múa thâu đêm".
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đến nhiều nhà dân kiểm tra tình hình cấp điện cho bà con và chia sẻ: “Bà con ở làng Canh Giao đã có điện phục vụ cho sản xuất và đời sống. Bà con cần tận dụng điện để phát triển kinh tế, tiêu dùng điện tiết kiệm và đặc biệt là đảm bảo an toàn, tránh tai nạn điện có thể xảy ra”.
Về định hướng đầu tư các hạ tầng thiết yếu cho làng Canh Giao trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong tháng 5 tới đây, từ nguồn xã hội hoá, tỉnh sẽ triển khai thi công tuyến đường bê tông vào làng, cố gắng trong 1,5 tháng sẽ hoàn thành. Cùng với đó, sẽ có công ty viễn thông đầu tư trạm phát di động tại làng, mục tiêu sẽ hoàn thành trước ngày Quốc khánh 2/9. Như vậy, các điều kiện hạ tầng thiết yếu cơ bản gồm điện, đường, thông tin liên lạc, cùng với các chương trình đầu tư trước đó, 72 hộ dân làng Canh Giao được đảm bảo các điều kiện hạ tầng để sinh hoạt, sản xuất, học tập.
Đêm hội Raglai của đồng bào Chăm Canh Giao đang bừng lên sức sống mới, ngoài ánh lửa bập bùng theo nhịp cồng chiêng của trai gái làng, ánh điện Canh Giao đang tỏa từ nhà rông chiếu sáng cả một vùng núi rừng xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh. Đồng bào Chăm dần đổi đời từ “cái điện”.