Công đoàn không thể đứng ngoài cuộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp được xây dựng bởi những người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp, vì sự phát triển của doanh nghiệp và cũng vì chính người lao động trong doanh nghiệp đó. Đây cũng là mục tiêu hoạt động của tổ chức công đoàn. Do vậy, văn hoá doanh nghiệp là nhân tố thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn tại doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp tác động trực tiếp đến người lao động

Trong khuynh hướng xã hội ngày nay thì một trong số nguồn lực quan trọng nhất của một doanh nghiệp chính là con người mà văn hóa doanh nghiệp lại là sợi dây liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng con người riêng lẻ. Bên cạnh các nội dung được biểu hiện ra bên ngoài, văn hóa doanh nghiệp cần phải xây dựng để có cả các giá trị biểu hiện bên trong như: Tạo sự đoàn kết, gắn bó bên trong doanh nghiệp; xây dựng được những truyền thống tốt đẹp; phát hiện những tài năng tiềm ẩn thông qua các hoạt động văn hóa; xây dựng được niềm tự hào của nhân viên về doanh nghiệp mình; thu hút nhân viên tiềm năng; tăng hiệu suất làm việc.

Văn hoá doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường làm việc có nhiều động lực cho NLĐ. Ảnh: ĐVCC.

Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp được cấu tạo từ nhiều yếu tố. Phân tích các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp đều xoay quanh vai trò của con người, người lãnh đạo, NLĐ và đây cũng chính là đối tượng của hoạt động công đoàn.

Triết lý quản lý và kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất, cốt lõi, căn bản nhất; là cơ sở xây dựng định hướng hoạt động của doanh nghiệp và chi phối các quyết định quản lý. Là niềm tin, là giá trị bền vững không thay đổi. Vì vậy, điều kiện đầu tiên để quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công là sự cam kết của những người lãnh đạo cao nhất trong tổ chức.

Động lực của cá nhân và tổ chức là lớp yếu tố quan trọng thứ hai, là các động lực thúc đẩy hành động của các cá nhân và môi trường của tổ chức. Các yếu tố động lực này sẽ biểu hiện ra ngoài bằng những hành vi hàng ngày của các cá nhân trong doanh nghiệp.

Quy trình, quy định, chính sách giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, theo một chuẩn mực là một yếu tố cấu tạo của văn hóa doanh nghiệp.

Hệ thống trao đổi thông tin là lớp cấu thành thứ tư. Hệ thống này cần đảm bảo mọi thông tin cần thiết cho doanh nghiệp đều được thu thập, truyền đạt, lưu trữ và xử lý đồng thời đảm bảo cho mọi thành viên doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng các thông tin cần thiết cho các hoạt động.

Phong trào, nghi lễ, nghi thức là cấu thành văn hóa bề nổi, phản ánh đời sống, sinh hoạt của doanh nghiệp. Tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, nhưng ảnh hưởng của nó đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng rất lớn. Nó tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt của doanh nghiệp với bên ngoài, tạo hình ảnh tốt cho doanh nghiệp trước cộng đồng qua đó góp phần xây dựng thương hiệu…

Các mối quan hệ trong văn hóa doanh nghiệp: Mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp, với khách hàng và các quan hệ bên ngoài khác. Để có thể phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng được văn hóa đặc trưng riêng. Chỉ khi đó, họ mới phát huy được tiềm năng của mọi cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Vai trò của Công đoàn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Công đoàn nâng cao nhận thức của NLĐ về văn hóa doanh nghiệp: Đây là nội dung đầu tiên mà các cấp công đoàn đã triển khai sâu rộng, giúp NLĐ nâng cao nhận thức chính trị, trung thành với sự nghiệp và lợi ích của dân tộc; yêu ngành nghề, tận tâm, tận lực, gắn bó với doanh nghiệp; có ý thức xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, biết đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích cá nhân. Tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; nắm vững những chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến công việc được giao và quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ để sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp, tôn trọng và thực hiện tốt nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Công đoàn giúp NLĐ, đoàn viên công đoàn thường xuyên cập nhật các giá trị về truyền thống nhằm tăng thêm lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với doanh nghiệp; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân điển hình và động viên khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân tiên tiến nhằm khích lệ phong trào thi đua.

Công đoàn với vai trò tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện tốt nhiệm vụ: Từ nhận thức đúng đến thực hiện đúng là khâu quan trọng mà các cấp công đoàn xác định cần gắn kết, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn để tổ chức sản xuất kinh doanh luôn năng động, đúng quy định của pháp luật; phát huy nội lực và thế mạnh của doanh nghiệp. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình sản xuất để đạt năng suất cao và chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt. Xây dựng đồng bộ các quy chế quản lý và điều hành hoạt động của doanh nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng.

Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ quản trị kinh doanh năng động, sáng tạo, xây dựng đội ngũ công nhân lao động được đào tạo phù hợp với yêu cầu hiện đại. Xây dựng được mối quan hệ tốt và uy tín với các đối tác, khách hàng, sẵn sàng chia sẻ rủi ro với khách hàng; luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng; không ngừng khẳng định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường.

Văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ là cùng xác định mục tiêu: Hằng năm, kinh doanh đạt sự tăng trưởng và có lợi nhuận, đảm bảo việc làm và đời sống NLĐ ngày càng được nâng cao, và gắn liền với việc cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động, mất an toàn lao động.

Công đoàn với vai trò xây dựng văn hóa trong đạo đức, nâng cao chất lượng cuộc sống: Công hiến phải gắn liền với hưởng thụ, từ đó lại tiếp tục công hiến để đạt được kết quả thực hiện cao hơn. Nội dung này hướng đến gốc của vấn đề đó là yếu tố con người. Đây là ưu thế, đặc tính trong hoạt động công đoàn. Công đoàn chủ động, sáng tạo trong hoạt động để đơn vị có đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh, chủ động đấu tranh chống mọi biểu hiện của văn hóa xấu xâm nhập; doanh nghiệp không có người tham gia cờ bạc, nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác, ở bất cứ nơi nào, dưới bất cứ hình thức bất hợp pháp nào.

Coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các hoạt động: Định kỳ hằng năm tổ chức khám bệnh cho NLĐ, tổ chức phong trào thể thao, văn nghệ sôi nổi; bố trí nơi tập thể thao, có sách báo hằng ngày cho NLĐ; duy trì các buổi thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, thăm quan học tập trong và ngoài doanh nghiệp để nâng cao thể chất, tăng cường hiểu biết, gắn bó và đoàn kết trong tập thể NLĐ. Xây dựng được các thiết chế văn hóa ở doanh nghiệp. Giáo dục NLĐ biết quan tâm đến cộng đồng, hưởng ứng tham gia hoạt động xã hội - từ thiện.

Công đoàn chủ động tham gia, phối hợp với chuyên môn tổ chức phong trào tự học tập nâng cao trình độ của NLĐ. Tạo điều kiện cho NLĐ tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Công đoàn trong vai trò xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử: Văn hóa trong giao tiếp, ứng xử sẽ dễ tạo nên nét riêng có của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, công đoàn phối hợp cùng chuyên môn đổi mới phong cách lãnh đạo, xây dựng NLĐ làm việc với tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp; nghiêm túc trong giao tiếp, tinh tế, lịch thiệp, văn minh trong ứng xử. Đối với khách hàng, đối tác, luôn niềm nở, ân cần, chu đáo, tôn trọng và hợp tác. Đối với đồng nghiệp, luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống. Trang phục cá nhân luôn gọn gàng, phù hợp với đặc thù công việc, mang đặc điểm, nét văn hóa riêng của doanh nghiệp và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Vai trò của công đoàn đối với cảnh quan môi trường làm việc: Chăm lo cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho NLĐ. Môi trường, điều kiện làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và năng suất lao động của NLĐ, là một trong những nội dung được tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp quan tâm. Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tập huấn, huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Công đoàn giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đề xuất cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Đây chính là nội dung góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mục tiêu vì NLĐ của doanh nghiệp. Vận động NLĐ luôn có ý thức xây dựng phong trào xanh, sạch, đẹp; gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan làm việc xanh; phòng làm việc bố trí gọn gàng, ngăn nắp, khoa học đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp vị trí làm việc.

Bằng các hoạt động, công đoàn trở thành thành viên tham gia tích cực trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của một doanh nghiệp, giúp tất cả NLĐ trong doanh nghiệp làm việc hướng tới các mục tiêu đã đặt ra, sẽ giúp doanh nghiệp phát triển không ngừng. Đó lại là mục tiêu chính của hoạt động công đoàn, đánh giá hiệu quả hoạt động của công đoàn.

Xây dựng một môi trường làm việc tốt, tạo động lực cho NLĐ làm việc: Xây dựng được một doanh nghiệp có nền văn hóa tốt đẹp sẽ không chỉ thu hút được những nhân tài giỏi nhất trong ngành mà còn giữ được nhân viên lâu dài. Nhân viên yêu thích những doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển của họ và cung cấp một môi trường làm việc tốt. Khuyến khích giao tiếp cởi mở và gắn kết cũng sẽ làm cho nhân viên cảm thấy có giá trị và được đánh giá cao.

Tối đa hóa hiệu suất đảm bảo rằng các doanh nghiệp khai thác tốt nhất những tài năng của mình. Văn hóa thị trường tập trung vào việc bắt tay vào kinh doanh, hoàn thành công việc và mang lại kết quả. Với văn hóa như vậy, nhân viên luôn hướng tới mục tiêu, hướng nỗ lực của họ vào việc thúc đẩy doanh nghiệp đi lên. Lãnh đạo đóng vai trò trong việc đáp ứng điều kiện cần để nhân viên thực hiện trách nhiệm của họ. Kết quả là hiệu suất được nâng cao, đảm bảo tăng trưởng cả về thị phần và doanh thu.

Tạo nên những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, gây dựng uy tín của doanh nghiệp, tạo ra việc làm và thu nhập cho NLĐ: Lợi ích nổi bật nhất của văn hóa doanh nghiệp là khả năng giúp các doanh nghiệp có sản phẩm và dịch vụ có chất lượng. Yêu cầu tiêu chuẩn cao nhất và tạo ra bầu không khí lý tưởng cho công nhân để cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, khiến khách hàng hài lòng. Các tiêu chuẩn văn hóa về sự xuất sắc sẽ chuyển thành các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, giúp doanh nghiệp có được danh tiếng về chất lượng cao.

Lời kết

Văn hóa doanh nghiệp liên quan rất nhiều đến cách một doanh nghiệp thực hiện các giao dịch bên ngoài và kết nối với khách hàng. Điều đó thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng với khách hàng và các bên liên quan khác, giúp thu hút và giữ chân khách hàng.

Cải thiện phúc lợi của NLĐ là mục tiêu quan trọng của hoạt động công đoàn: Các giá trị và văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng để nhân viên có những đặc quyền mà họ nhận được. Các doanh nghiệp có chương trình định hướng về sức khỏe và sự cân bằng tuyệt vời giữa công việc và cuộc sống sẽ đảm bảo cải thiện sức khỏe của nhân viên. Các giá trị tốt nhất của không bỏ qua sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên khi căng thẳng về hiệu suất.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường làm việc có nhiều động lực cho NLĐ và kết quả là tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt. Công đoàn các cấp nhận thấy việc tham gia tích cực vào xây dựng văn hoá doanh nghiệp chính là yếu tố thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của hoạt động công đoàn. Doanh nghiệp phát triển không ngừng thông qua việc sản xuất, cung cấp dịch vụ uy tín, hài lòng khách hàng. Doanh nghiệp phát triển thì việc làm và thu nhập của NLĐ được đảm bảo. Do vậy, công đoàn không thể đứng ngoài cuộc xây dựng và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.


  • 28/03/2023 10:49
  • ThS. Uông Quang Huy - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam
  • 6203