Công nghệ hóa kiểm tra vận hành hệ thống điện trên điện thoại thông minh

Đề tài do ông Trương Minh Tú, chuyên viên Điện lực Liên Chiểu, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động mà còn giảm vốn đầu tư, tăng độ tin cậy cung cấp điện... Đề tài đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018.

Trước đây, việc kiểm tra vận hành hệ thống điện tại PC Đà Nẵng được thực hiện thủ công theo phiếu kiểm tra in sẵn mang theo khi đi kiểm tra. Trưởng nhóm và lãnh đạo đơn vị sẽ tổng hợp kết quả kiểm tra bằng phương pháp thủ công. Việc làm này mất nhiều thời gian và khó tránh khỏi thiếu sót trong quá trình tổng hợp. 

Theo ông Trương Minh Tú, chuyên viên Điện lực Liên Chiểu, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, xuất phát từ những hạn chế trong kiểm tra vận hành hệ thống điện, đồng thời nhờ điện thoại thông minh (smartphone) đã được sử dụng rộng rãi, việc xây dựng ứng dụng “Công nghệ hóa kiểm tra vận hành hệ thống điện trên smartphone” sẽ giúp người vận hành lưới điện thao tác nhanh hơn ngoài hiện trường, nâng cao chất lượng kiểm tra định kỳ, tổng hợp nhanh những khiếm khuyết trên lưới điện. 

Ngoài ra, đây còn là công cụ giúp người quản lý kiểm soát được tần suất và vị trí người được giao nhiệm vụ kiểm tra, tránh việc kiểm tra không đúng tần suất, ghi khống trên phiếu, giúp lãnh đạo kiểm soát được công việc kiểm tra, theo dõi được các khiếm khuyết trên lưới điện và kết quả xử lý, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành, giảm suất sự cố. 

Ông Trương Minh Tú

Hiệu quả kinh tế

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa có phần mềm ứng dụng vận hành hệ thống điện trên điện thoại thông minh. Ứng dụng “Công nghệ hóa kiểm tra vận hành hệ thống điện trên điện thoại thông minh” do Công ty Điện lực Đà Nẵng tự xây dựng chạy trên hệ điều hành IOS, Android, website và được đẩy lên Google Play, Apple Store với tên gọi QLKT Mobility, rất dễ dàng cài đặt. 

Ứng dụng này cũng mang lại hiệu quả cao do tiết kiệm thời gian và nhân lực so với thủ công. Theo chia sẻ của công nhân vận hành lưới điện tại Điện lực Liên Chiểu, việc phản ánh thông tin từ hiện trường cho cấp quản lý trước đây mất rất nhiều thời gian, nhưng giờ đây, kết quả nhận được gần như đồng thời với thời điểm kiểm tra ngoài hiện trường. Như vậy, năng suất lao động của nhân viên vận hành hệ thống điện đã tăng lên.

Sử dụng kết quả nghiên cứu này còn tiết kiệm được nhân lực kiểm tra hiện trường, nhân lực tổng hợp phiếu kiểm tra, thống kê báo cáo, nhân lực chỉ đạo xử lý, chi phí văn phòng phẩm (giấy, mực…) in phiếu kiểm tra thủ công... làm lợi hơn 1 tỷ đồng/năm.

Hiệu quả kỹ thuật

Công trình đã xây dựng công nghệ vận hành mới trên điện thoại di động thay cho việc vận hành thủ công, đồng thời tổng hợp nhanh những khiếm khuyết của hệ thống điện từ các thông số thu thập ngoài hiện trường, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu gồm: (1) Hệ thống các thông số vận hành, tình trạng vận hành của các thiết bị điện như đường dây, trạm biến áp, máy cắt Recloser...; (2) Hệ thống hình ảnh của đường dây điện, trạm điện, thiết bị điện kèm theo vị trí (tọa độ) của các thiết bị đó. Có thể phân loại ra hình ảnh khiếm khuyết và hình ảnh tốt của thiết bị, hình ảnh trước khi xử lý khiếm khuyết và sau khi đã hoàn thành xử lý; (3) Hệ thống file phiếu kiểm tra hiện trường kèm vị trí kiểm tra. Từ đó, thống kê, phân loại, đánh giá kết quả công việc của người đi kiểm tra.

Điều này đã góp phần giúp việc kiểm tra đi vào thực chất và đúng trọng tâm; lãnh đạo kiểm soát được kết quả kiểm tra định kỳ, theo dõi được các tồn tại và việc xử lý tồn tại, nâng cao hiệu quả việc giảm suất sự cố, tạo nên một hệ thống vận hành thông suốt từ người kiểm tra vận hành ngoài hiện trường, người chỉ đạo xử lý và người thống kê báo cáo.

Hiệu quả về môi trường - xã hội

Công trình không chỉ góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các khách hàng, mà còn cung cấp dữ liệu về tình trạng vận hành, hình ảnh của các nhóm thiết bị cùng với các thông số đặc trưng. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để tổng hợp báo cáo, thiết kế, vận hành hệ thống điện. Cơ sở dữ liệu này sẽ được lưu trữ qua nhiều năm, dễ tìm kiếm và tra cứu khi cần thiết, qua đó, các cơ quan vận hành hệ thống điện có thể đề xuất các giải pháp vận hành hệ thống điện.

Công trình không chỉ áp dụng hiệu quả tại Công ty Điện lực Đà Nẵng, mà còn có thể được triển khai áp dụng tại các đơn vị điện lực khác trên toàn quốc. Ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, việc đưa vào vận hành “Ứng dụng phần mềm hỗ trợ kiểm tra vận hành hệ thống điện trên điện thoại thông minh” đã thể hiện được năng lực của cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của PC Đà Nẵng trong việc nắm bắt kịp thời các công nghệ hiện đại, áp dụng và phát triển trên lưới điện thực tế. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hoá, tự động hoá lưới điện Đà Nẵng theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh; là giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 


  • 17/05/2019 03:29
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 12799