'Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra'

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 7/11, tại Hà Nội. Tham dự buổi tọa đàm có TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc.

Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết, ngay từ tháng 4/2021 (đầu nhiệm kỳ Chính phủ), vấn đề quan tâm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ là đôn đốc để bảo đảm điện. Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã nhận thức được đúng vai trò của điện năng trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô như chúng ta hay nói “điện đi trước một bước”.

Trong năm 2022, sau khi hết dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đi chỉ đạo những công trình cụ thể như: Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2,… là những công trình đã khởi công từ rất lâu nhưng chậm đưa vào hoạt động do khó khăn. Kết quả, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 đã đi vào hoạt động. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng khẳng định, Thủ tướng đã có hoạch định từ sớm, từ xa, kịp thời đối với công tác cung ứng điện trong năm 2024, với mệnh lệnh là phải đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đảm bảo điện năm 2024 – Giải pháp nào?

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, để đảm bảo điện năm 2024, những nguồn điện nào có thể đưa vào vận hành được thì phải nỗ lực đưa vào; với những nguồn sẵn có, cần có chế độ bảo dưỡng, sữa chữa để đảm bảo vận hành tối ưu. Đồng thời, công tác dự báo cũng cần chuẩn xác hơn để khai thác hài hòa nguồn thủy điện và nhiệt điện.

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có các kịch bản khác nhau để ứng phó với những biến động không lường trước được. Ngoài nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới điện trọng điểm, cần tính đến phương án nhập khẩu điện và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để nhập khẩu điện.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cũng cho rằng, để đảm bảo điện 2024, cần khai thác tốt các nguồn thủy điện, nhiện điện than đang có. Với nguồn năng lượng tái tạo hiện còn đang vướng mắc về cơ chế, về giá, cần phải gỡ nhanh để có thể khai thác ngay.

Bên cạnh đó, cần sẵn sàng phương án để bảo đảm vận hành các nhà máy điện hiện có một cách hiệu quả; phải xây dựng được các kịch bản để ứng phó, làm chủ với những tình huống có thể xảy ra…

Giải quyết “điểm nghẽn” về giá điện

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng là cần cải cách về điều hành giá điện. Giá điện phải được tính đúng, tính đủ và tuân thủ theo quy luật của thị trường.

Cụ thể, theo TS Nguyễn Đức Kiên, truyền thông về giá điện cần phải khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành Điện Việt Nam. Ông cũng đề nghị hạch toán đầy đủ chi phí giá thành cho doanh nghiệp, vì nếu không hạch toán đầy đủ thì doanh nghiệp không thể bền vững sản xuất được.

Còn PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, đối với một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quyết định giá, cần tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định, như vậy mới có nguồn cung ứng điện đảm bảo.

“Kinh nghiệm của bang Carlifornia (Mỹ), có thời kỳ chính quyền quy định giá điện quá thấp so với giá thị trường, doanh nghiệp thua lỗ không thể tồn tại, không thể phát triển được, dẫn đến thiếu hụt điện”, chuyên gia Ngô trí Long chia sẻ.

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, trong bối cảnh giá dầu, giá xăng, giá khí đốt đều tăng nhưng giá điện chỉ điều chỉnh tăng 3% trong 4 năm qua nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, dẫn tới ngành Điện hoạt động tương đối khó khăn. Ông cho biết cần "trả" giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ để đảm bảo ngành Điện hoạt động ổn định, từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.


  • 07/11/2023 10:09
  • Nguyễn Thủy
  • 6009