Các chương trình được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các của em học sinh cũng như các bậc phụ huynh và cán bộ, giáo viên trong nhà trường trong việc sử dụng điện. Đồng thời, cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về phương pháp sử dụng điện tiết kiệm như: công nghệ tiết kiệm điện tối ưu nhất hiện nay, năng lượng điện không mất chi phí, không phát thải khí nhà kính, các hành vi sử dụng điện tiết kiệm gắn liền với hoạt động hàng ngày của chính các em….Qua đó, giúp các em học sinh thay đổi hành vi, hành động, nâng cao ý thức sử dụng điện và tích cực tham gia các hoạt động xanh bảo vệ môi trường theo ý thức tự nguyện, tự giác.
Những giải pháp tiết kiệm được thể hiện sinh động trên tờ rơi giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.
|
Ngay từ đầu năm 2023, nhà trường đã đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động truyền thông tiết kiệm điện như: phát tờ rơi; lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào chương trình phát thanh Măng non trước khi vào học buổi sáng các ngày thứ 2,4,6; tuyên truyền trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ thông qua việc trình chiếu các video về giải pháp tiết kiệm điện sinh động, trực quan, dễ nhớ và dễ hiểu.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tại nhà trường thường xuyên lồng các nội dung tiết kiệm điện trong các tiết học ngoại khóa; tuyên truyền qua các bài hát múa tập thể trong sinh hoạt đầu buổi và giữa buổi như bài “Điện năng” của nhạc sĩ Lê Kỳ. Nhà trường còn tạo những sân chơi tìm hiểu kiến thức tiết kiệm năng lượng bổ ích, lý thú thông qua các cuộc thi như: vẽ tranh, sáng tác truyện, sáng tác nhạc rap, hát múa, tạo video trên nền tảng mạng xã hội tiktok, xây dựng tiểu phẩm…
Các tiết học ngoại khoá được lồng ghép nội dung tiết kiệm điện
|
Đặc biệt, toàn bộ số tiền bán tranh tại triển lãm vẽ tranh truyền thông sẽ được nhà trường sử dụng để gây quỹ ủng hộ cho học sinh nghèo. Cụ thể, số tiền bán tranh sẽ được sử dụng để mua sách cũ tặng cho học sinh nghèo vào đầu năm học mới. Hoạt động này không chỉ giúp nhiều học sinh nghèo được trang bị thêm công cụ học tập mà còn giúp thu gom sách cũ giúp tiết kiệm giấy, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Để đa dạng hóa các hình thức truyền thông, nhà trường còn phối hợp với đoàn thanh niên xã Quảng Phú và hội phụ huynh học sinh tổ chức ngày hội truyền thông tiết kiệm năng lượng 3 lần/tháng. Tại đây, các nội dung tuyên truyền được thể hiện thông qua hình thức sân khấu hoá tạo sự hứng thú và nhiệt tình tham dự của đông đảo các em học sinh.
“Việc tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông tiết kiệm điện tại nhà trường là giải pháp “mưa dầm thấm lâu” giúp các em học sinh thường xuyên ghi nhớ để ứng dụng thực hành trong thực tế. Đồng thời đây cũng là giải pháp để các em nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Nhà trường muốn các em hiểu rằng tiết kiệm điện không đơn thuần chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, cô Lê Thị Hảo, giáo viên trường THCS Quảng Phú cho biết.
Cuộc thi vẽ tranh thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh
|
Bên cạnh các hoạt động truyền thông, nhà trường luôn chú trọng việc bảo dưỡng các thiết bị điện, những thiết bị điện nào cần thay mới luôn được nhà trường lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm điện năng và có dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương.
Thông qua các hoạt động thiết thực trên, từ tháng 3 đến nay, trường THCS Quảng Phú đã tiết kiệm được khoảng 42 giờ 10 phút không sử dụng điện ở 17 phòng học. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong nhận thức của học sinh còn được thực hành thông qua những việc đơn giản như: 100% các lớp tự tắt cầu giao vào giờ ra chơi để cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian tại sân trường; nhiều em chuyển sang đi bộ, đi xe đạp, hoặc đi chung xe đạp điện với bạn thay vì đi 1 mình 1 xe như trước đây, …
Những kết quả trên phần nào đã cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên và học sinh nhà trường trong việc thực hành tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đây sẽ là tiền đề quan trọng góp phần giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.