Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, diễn ra ngày 20/8 tại Bình Định. Về phía EVN, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân tham dự Hội nghị này. Nguồn ảnh: VGP
|
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ năm 2016 tới nay, tình hình kinh tế - xã hội của vùng đã có những bước phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Lưới điện khu vực miền Trung liên tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Nguồn ảnh: PC Đà Nẵng
|
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tại khu vực này đạt 10,2%, tương đương bình quân cả nước. Sản lượng điện thương phẩm của 14 tỉnh, thành phố đạt 25,44 tỷ kWh, chiếm 13,2% điện thương phẩm cả nước, trong đó thành phần phụ tải công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 39,5%.
EVN đã không ngừng đầu tư phát triển các dự án nguồn điện tại chỗ. Từ năm 2011 đến nay, đã có 8 dự án với tổng công suất 4.306 MW được đưa vào vận hành, trong đó có các dự án quan trọng như: Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng (tháng 9/2019 phát điện thương mại); Thủy điện Trung Sơn, Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Sông Bung 4,…
Hiện nay, EVN và các đơn vị đang triển khai đầu tư 6 dự án nguồn điện tại khu vực này với tổng công suất 5.180 MW và đa dạng về cơ cấu (nhiệt điện than, thủy điện, điện khí). Ngoài ra, Tập đoàn còn đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) tại các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,...
Điện được đảm bảo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố miền Trung. Ảnh: Đăng Đệ
|
Cùng với việc phát triển nguồn điện, EVN/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã liên tục đầu tư mở rộng lưới điện 500 - 220 kV, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống nói chung và khu vực 14 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung nói riêng.
Đối với lưới phân phối, từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã hoàn thành đưa vào vận hành 115 công trình lưới điện 110 kV. Dự kiến từ nay đến năm 2020, tiếp tục đưa vào vận hành 98 công trình ở cấp điện áp này.
Trong công tác dịch vụ khách hàng, các dịch vụ điện đã được phục vụ trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4. Cùng đó, các trung tâm chăm sóc khách hàng EVNNPC, EVNCPC đều tiếp nhận yêu cầu, phục vụ 24/7 qua nhiều kênh như: Tổng đài, webchat, email, mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại,...
Nguyên Hương
Share