Tại diễn đàn, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, COVID-19 là đại dịch nghiêm trọng nhất từ năm 1870 đến nay và sẽ còn kéo dài. Đại dịch gây tác động tiêu cực đến tất cả lĩnh vực và bộ phận của nền kinh tế, làm đứt gãy chuỗi giá trị, khiến kinh tế toàn cầu giảm sút mạnh và sự thay đổi cơ bản trong sản xuất, tiêu dùng…
Cụ thể về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tình hình tiêu thụ điện tại Việt Nam trong năm 2021, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, nhu cầu sử dụng điện giảm xuống trong thời gian dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát, đặc biệt từ sau ngày 19/7. Thống kê từ tháng 8 tới nay, nhu cầu phụ tải toàn quốc tăng trưởng thấp. Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 213 tỷ kWh, tăng trưởng chỉ 3,3% so với năm 2020, thấp hơn 5,7 tỉ kWh so với kế hoạch năm.
Trong khi đó, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân tại Việt Nam trước COVID-19 là 10,9% trong giai đoạn 2010-2015 và 10,1% trong giai đoạn 2016-2019. Việc dự đoán tiêu thụ điện trong thời gian tới là rất khó khăn, nhu cầu phụ tải biến động bất thường do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại diễn đàn
|
Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, căn cứ dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, EVN cân đối cung cầu điện năm 2022 với phương án phụ tải tăng trưởng ở mức 8,2%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc 275,5 tỷ kWh. Ngoài ra, để chuẩn bị tốt nhất cho các tình huống phục hồi kinh tế, EVN cũng tính toán thêm kịch bản cung ứng cho nhu cầu phụ tải tăng trưởng ở mức cao 12,4%; tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 286,1 tỷ kWh.
Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, EVN sẽ cố gắng phối hợp với các đơn vị có liên quan và khách hàng sử dụng điện để thực hiện một số giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 như: giải pháp vận hành hệ thống điện, bổ sung nguồn cung, tăng cường năng lực truyền tải, tuyên tuyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR)…
Tại diễn đàn, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương, đồng tình và đánh giá cao 2 kịch bản đảm bảo điện cho năm 2022 mà EVN đã xây dựng. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang trải qua thiếu điện, khủng hoảng năng lượng trên đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Do đó, các kịch bản phụ tải tăng trưởng ở mức 8,2% và mức cao 12,4% sẽ giúp ngành Điện Việt Nam chủ động đảm bảo điện trong năm tới.
Để từng bước phục hồi nền kinh tế, năng lượng có vai trò qua trọng, trong đó sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yếu tố là giải pháp quan trọng - ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh. Các thông tin cụ thể về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3), các giải pháp nền tảng và mục tiêu của chương trình trong giai đoạn tới cũng được ông Vũ thông tin cụ thể tại diễn đàn.