Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào tới tình hình cung cấp điện mùa nắng nóng sắp đến?

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cuộc trao đổi ngắn với evn.com.vn về những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới công tác vận hành hệ thống điện khi mùa nắng nóng đang cận kề.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải

PV: Thưa ông, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến việc cung ứng điện của EVN thế nào?

Ông Ngô Sơn Hải: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, lượng điện cho sinh hoạt tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn, có thể tăng tới 20% với cùng kỳ.

EVN vẫn liên tục cập nhật và dự báo nhu cầu sử dụng điện, đồng thời chuẩn bị các kịch bản khác nhau, kịp thời ứng phó trong các tháng nắng nóng sắp tới. Chúng tôi đã tính đến việc nền kinh tế sẽ hồi phục sau dịch bệnh và ngành Điện sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện một cách tốt nhất.

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Trong đó, ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp nhiên liệu than cho các nhà máy nhiệt điện. Cụ thể, sản xuất than trong nước bị ảnh hưởng do thiếu vật tư, phụ tùng thiết bị thay thế, cũng như lực lượng vận hành. Về nguồn than nhập khẩu (để pha trộn hoặc sử dụng trực tiếp) hiện đã có những rủi ro về việc tạm dừng hoạt động một số thị trường cung cấp than như Nam Phi. Dịch bệnh COVID-19 cũng đang có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đóng cửa việc xuất khẩu than các thị trường cung cấp than còn lại.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sửa chữa cũng như tiến độ đóng điện các nguồn điện. Đến nay, một số nhà máy thủy điện như Sê San 3A, Sông Tranh 2, A Vương, Hòa Bình, Sơn La,... phải hoãn kế hoạch sửa chữa trong mùa khô do không nhập được vật tư, thiết bị thay thế. Việc này sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sự cố trong giai đoạn cuối mùa khô và mùa lũ khi các tổ máy vận hành quá thời hạn cho phép. Đối với tiến độ đóng điện công trình mới, rõ rệt nhất là đối với NMNĐ BOT Hải Dương chậm tiến độ khoảng 3-4 tháng dẫn đến không thể cung cấp sản lượng điện khoảng 680 triệu kWh trong mùa khô như kế hoạch ban đầu.

PV: EVN sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng năm nay, thưa ông?

Ông Ngô Sơn Hải: Ngay từ cuối năm 2019, EVN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo điện cho mùa nắng nóng năm 2020. Trong đó, huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, tuabin khí, huy động cao nguồn điện chạy dầu ngay từ tháng 10/2019, cố gắng giữ mực nước trong các hồ thủy điện.

Mặt khác, Tập đoàn bố trí các công việc sửa chữa nguồn điện, lưới điện ngay từ cuối năm 2019 và trong quý I/ 2020, không bố trí sửa chữa vào quý II, đảm bảo độ khả dụng nguồn cao trong các tháng nắng nóng. Các nhà máy nhiệt điện được huy động ở mức sản lượng cao hơn thiết kế, phấn đấu đạt số giờ công suất tối đa là 7.000h/năm.

Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận (Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) 

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết nhằm đảm bảo sự an toàn cho CBCNV cũng như cho công tác vận hành HTĐ, đặc biệt là ở các đơn vị trọng yếu như Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.

Tập đoàn đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành, đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện giải toả công suất, tạo mọi điều kiện hỗ trợ chủ đầu tư đưa các nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng tiết kiệm điện, phối hợp với các khách hàng lớn, quản lý nhu cầu phụ tải khi hệ thống điện có dự phòng thấp.

Trong kịch bản phụ tải điện tăng trưởng cao đồng bộ trên cả 3 miền, nắng nóng kéo dài trên diện rộng, EVN cũng đã chuẩn bị phương án cung cấp điện. Có thể khẳng định, với sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, EVN đã và sẽ tiếp tục đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn liên tục, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 21/04/2020 04:37
  • Xuân Tiến (thực hiện)
  • 10279