Điện gió: "Chìa khóa" của chiến lược năng lượng bền vững tại Việt Nam

Đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió sẽ là chìa khóa để giải quyết nhu cầu điện năng ngày càng tăng của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của đất nước. Để đạt được mục tiêu này còn tùy thuộc vào những chính sách và công nghệ.

Nhiều tiềm năng

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện gió lớn nhất trong khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360 MW, gấp hơn 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành Điện vào năm 2020. Nghiên cứu của WB còn cho thấy 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tuabin gió lớn. Con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào là 2,9% và Thái Lan là 0,2%. 

Trong khi đó, Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA) dự báo rằng, gió trên đất liền sẽ là một trong những nguồn năng lượng thay thế nhanh chóng nhất so với các nguồn năng lượng khác như điện than, địa nhiệt hay điện hạt nhân. Tuy nhiên, trong tổng số 50 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam, mới chỉ có duy nhất 4 dự án có tổng công suất 159,2 MW đã vận hành thương mại.

Được khởi công xây dựng vào ngày 9/9/2010, dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư, quy mô 62 tuabin, công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu kWh/năm. Dự án có diện tích 1.300 ha, tổng mức đầu tư là 5.217 tỷ đồng và được đưa vào vận hành thương mại vào tháng tháng 1/2016. 

Trước đó, dự án điện gió tại Tuy Phong (Bình Thuận) của Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo (REVN) đã hoàn thiện việc lắp đặt 20 tuabin gió với tổng công suất 30 MW vào năm 2012. Dự án Điện gió trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) có quy mô nhỏ, với 3 trụ gió công suất 6 MW cũng đã vận hành từ tháng 7/2012. Đầu tháng 9/2016, Dự án Điện gió Phú Lạc của Công ty Cổ phần Phong Điện Thuận Bình (Bình Thuận) với công suất 24 MW, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng đã bắt đầu vận hành. 

GE đã cung cấp thiết bị cho nhiều cánh đồng điện gió trên thế giới

Công nghệ - "Chìa khóa" thành công 

Trong khi Việt Nam đang “chập chững” bước vào lĩnh vực điện gió, thế giới đã có những thành công vượt trội. Theo công bố của Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu, tính đến cuối 2015, tổng công suất điện gió toàn thế giới đạt 432,42 GW, tăng 17% so với năm 2014 và lần đầu tiên cao hơn công suất điện nguyên tử. Đặc biệt, rất nhiều tập đoàn năng lượng lớn  đã tập trung vào giải quyết vấn đề “mấu chốt ” trong lĩnh vực điện gió: Công nghệ.

Đến đầu năm 2016, Tập đoàn General Electric (GE) đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển điện gió. Theo GE, dù là với tua bin, nhà máy hay lưới điện, GE đều có thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.

Hiện nay, GE đang ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo và điện gió. Theo đó, GE Renewable Energy đã phát triển công nghệ tạo ra các “bản sao kỹ thuật số” (digital twin) của mỗi tua bin, xác định vị trí có thể thu được nhiều năng lượng nhất trước khi lắp đặt một tuabin trong thực địa. Cách tiếp cận này có thể làm tăng năng suất của mỗi trang trại điện gió lên khoảng 20%, tương đương khoảng 100 triệu USD trong mỗi vòng đời của một trang trại công suất 100 MW.

Với công nghệ tua bin gió đặc biệt, GE mang đến nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà máy. Công nghệ sản xuất cánh quạt của GE cũng rất tiên tiến, hiện đại với cánh quạt được chế tạo từ sợi áp lực, thiết kế theo nguyên lý động lực học, ít gây tiếng ồn, trọng lượng nhẹ hơn và mang lại hiệu suất cao hơn.

Đặc biệt, với công nghệ tiên tiến, GE có thể hỗ trợ vận hành, giám sát, bảo trì nhà máy một cách hiệu quả nhất. Hệ thống WindSCADA giám sát trực quan hiệu suất nhà máy điện gió bằng bản đồ nhiệt theo công suất của tua bin và tổng công suất nhà máy, kiểm soát tua bin từ xa, cung cấp dữ liệu ra bên ngoài nhà máy, xác định các sai lệch về hiệu năng, phân tích và báo cáo kết quả hoạt động của nhà máy… Phần mềm PlusePoint có thể phân tích dữ liệu về độ rung của hệ thống truyền động và phát hiện bất thường về kết quả số liệu SCADA, nhờ đó, có thể tiết kiệm hơn 10% chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, góp phần tăng công suất chu kỳ hoạt động của tua bin.

GE cũng cung cấp hệ thống giám sát thông minh các nhà máy điện gió từ các trung tâm vận hành từ xa. Hiện nay, GE đang giám sát 8.500 tua bin đã vận hành trên toàn cầu, tiết kiệm chi phí xử lý sự cố từ xa trung bình 7.000 USD/tua bin/năm, thời gian xử lý trung bình khoảng 6 phút để tua bin vận hành trở lại. Với sự hỗ trợ công nghệ của GE, nhà máy điện gió có thể vận hành như một nhà máy điện truyền thống.

Tính đến nay, GE đã triển khai hơn 30.000 tua bin gió với tổng công suất 50 GW tại 35 quốc gia. Tại Việt Nam, GE có nhà máy sản xuất máy phát tua bin gió đặt tại khu công nghiệp Nomura, thành phố Hải Phòng và được đánh giá là một trong những nhà máy tốt nhất thế giới. Sản phẩm chính của nhà máy là máy phát điện gió loại 60 Hz và các thiết bị điện gió khác xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ với công suất 1.000 - 1.500 máy phát/năm. Nhà máy còn sản xuất cả các máy phát điện gió loại 50 Hz, đáp ứng thị trường Việt Nam.

Cơ hội cho Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước cơ hội đẩy nhanh chương trình phát triển điện gió, khi có được công nghệ năng lượng tái tạo của GE theo tinh thần Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn GE với Bộ Công Thương, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm chính thức Việt Nam năm 2015. 

Mục tiêu của cả hai phía Việt Nam và GE là đến năm 2025, xây dựng ít nhất 1.000 MW công suất từ các dự án điện gió, đủ để cung cấp cho khoảng 1,8 triệu dân Việt Nam. Một phần thỏa thuận này đã được hiện thực hóa bằng việc, tháng 9/2016, GE đã ký biên bản hợp tác với nhà phát triển năng lượng tái tạo Mainstream Renewable Power, thực hiện một số dự án nhà máy điện gió tại Việt Nam .

Rất nhanh sau đó, “giấc mơ” về một nhà máy điện gió với công nghệ hàng đầu thế giới tại Việt Nam đã thành hiện thực khi vào giữa tháng 11/2016, GE, Mainstream Renewable Power và Tập đoàn Phú Cường đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng, vận hành Dự án Điện gió Phú Cường tại tỉnh Sóc Trăng, công suất 800 MW. Dự kiến, giai đoạn 1 công suất 150 – 200 MW sẽ hoàn thành thu xếp tài chính vào năm 2018, khi đi vào vận hành sẽ góp phần bổ sung nguồn cung điện năng cho miền Nam trong những năm tới. 

 


  • 16/01/2017 11:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 19540