Tập đoàn và các đơn vị đã nghiên cứu và triển khai bổ sung nhiều biện pháp (so với ĐTM được duyệt) nhằm giảm thiểu tối đa việc phát sinh bụi trong quá trình hoạt động sản xuất và ngăn ngừa phán tán bụi ra môi trường xung quanh. Các biện pháp hữu hiệu đã triển khai trong thời gian qua như sau: che chắn băng tải than, tháp chuyển tiếp than; kho than; phun sương dập bụi; triển khai giải pháp vận hành cấp than, đánh phá đống than linh hoạt, thích ứng với từng điều kiện thời tiết; thực hiện giải pháp giảm bụi từ khu vực silo và vận chuyển tro xỉ…
Để đảm bảo giảm tối thiểu nồng độ bụi trong khói thải ra ngoài môi trường, các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 đều đã đầu tư và lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) với hiệu suất xử lý bụi đạt trên 99,6%. Hệ thống ESP được lắp đặt riêng cho từng tổ máy riêng biệt.
Nhằm giảm thiểu nồng độ bụi trong khói thải, NMNĐ Vĩnh Tân 2 đã cải tiến và hoàn thành chuyển đổi đốt dầu HFO sang dầu DO, đồng thời đưa hệ thống ESP vào hoạt động ngay từ khi bắt đầu khởi động lò hơi. Đối với NMNĐ Vĩnh Tân 4, nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn (SC) với nhiên liệu than bitum-subbitum nhập khẩu (hàm lượng tro thấp) hạn chế việc phát sinh bụi, đồng thời lượng bụi còn lại trong khói thải rất thấp.
Ngoài hệ thống lọc bụi tĩnh điện ESP, các NMNĐ Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 cũng đã trang bị các hệ thống SCR xử lý NOx và hệ thống FGD xử lý SO2. Theo đó, luồng khói thải sau khi qua hệ thống bụi tĩnh điện ESP sẽ tiếp tục đi qua hệ thống FGD xử lý SO2. Tại đây, các hạt bụi trong khói thải tiếp tục được kiểm soát giảm thiểu từ 2-3% lượng bụi còn lại.
Hiện nay, các thông số phát thải đều đã được quan trắc tự động liên tục và truyền tín hiệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận để theo dõi, giám sát 24/24h. Kết quả quan trắc môi trường không khí định kỳ tại các khu vực nhà máy và môi trường xung quanh từ khi các tổ máy đi vào vận hành (từ năm 2019) đến nay đều đáp ứng quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT.
Khuôn viên NMNĐ Vĩnh Tân 2 được trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan sạch đẹp
|
Các đơn vị của EVN cũng đã tích cực thực hiện vệ sinh, trồng cây xanh quanh kho than nhằm xây dựng tường chắn bụi thứ cấp; đồng thời trồng cây xanh bổ sung tại khu vực cách ly giữa khu dân cư và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để tăng hiệu quả che chắn.
Về tình hình quản lý, tiêu thụ tro xỉ, hàng năm, hai nhà máy của EVN tiêu thụ khoảng 9,57 triệu tấn than và phát sinh khoảng 1,86 triệu tấn tro xỉ, trong đó tỉ lệ phát sinh tro xỉ hàng năm của NMNĐ Vĩnh Tân 2 chiếm 80% và NMNĐ Vĩnh Tân 4 chiếm 20%. Tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ tăng dần theo từng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Ông Vũ Thanh Hải – Giám đốc NMNĐ Vĩnh Tân 4 cho biết, mặc dù tro xỉ của nhà máy đã được các cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn, hợp chuẩn, hợp quy để sử dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng…, tuy nhiên, do màu tro xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 4 có màu vàng, do đó không được thị trường ưa chuộng về màu sắc. Bên cạnh đó, nhà máy ở xa các thị trường tiêu thụ phía Bắc nên khó khăn trong việc vận chuyển. Hiện, nhà máy đang xúc tiến các giải pháp tăng cường vận chuyển đường biển.
Ông Thiên Thanh Sơn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân cho biết, đối với lượng tro xỉ đang lưu trữ tại bãi xỉ, cần có giải pháp từng bước giải phóng hết khối lượng đang lưu trữ này. Công ty kiến nghị các cấp hỗ trợ báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác tiêu thụ tro, xỉ; kiến nghị các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận tiếp tục tạo điều kiện, giới thiệu địa điểm và cho phép dùng tro, xỉ làm vật liệu san lấp mặt bằng khu công nghiệp, các công trình đường giao thông, làm vật liệu đê, kè chống xói lở, xâm thực đối với các công trình ven biển.