Ảnh minh họa.
|
Những năm gần đây, EVNCPC đã có bước đột phá mạnh mẽ trên lộ trình số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), trở thành đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành việc số hóa hồ sơ khách hàng.
Ông Ngô Tấn Cư - Tổng giám đốc EVNCPC chia sẻ, trong 10 năm qua, EVNCPC không ngừng ứng dụng các công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển dịch doanh nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh và số hóa. Quá trình xây dựng hạ tầng số tại EVNCPC được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, trong công tác điều hành, Tổng công ty đã xây dựng mô hình văn phòng điện tử, được Tập đoàn đánh giá cao về tính năng, hiệu quả.
Theo đó , tất cả các văn bản, báo cáo đều được số hóa, xử lý trên môi trường mạng, từ đó giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn trong các nội bộ Tổng công ty; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý. Với công tác quản lý, điều hành, kinh doanh, đã không còn những tập hồ sơ lưu trữ dày cộp chất đầy các tủ lớn, không còn cảnh tra cứu thông tin khách hàng theo phương pháp lật mở thủ công, toàn bộ hồ sơ khách hàng sử dụng điện tại 13 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên được EVNCPC số hóa và lưu trữ trên không gian mạng, mà nhân viên ngành điện chỉ cần có thiết bị truy cập Internet là có thể tra cứu dù đang ở bất cứ đâu.
Thực hiện “Lộ trình phát triển lưới điện thông minh” đã được Chính phủ phê duyệt, EVNCPC tích cực triển khai và đạt được kết quả tích cực, toàn EVNCPC đã lắp đặt hơn bốn triệu công tơ điện tử cho khách hàng, chiếm gần 92%. Đến hết tháng 9-2020, EVNCPC đã lắp đặt 4,02 triệu công tơ điện tử, trong đó có 3,7 triệu công tơ đo xa bằng hệ thống RF Spider, giúp quá trình thu thập dữ liệu điện thành công đạt gần 99%. Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, EVNCPC cũng đã làm chủ công nghệ tự động hóa trạm biến áp 110kV. Đến nay 100% trạm biến áp 110kV của EVNCPC đã thực hiện vận hành không người trực. Hệ thống thiết bị được quy hoạch đồng bộ, bảo đảm khả năng quản lý và cấu hình tập trung, tối ưu về dự phòng thiết bị. Tỷ lệ cáp quang hóa đến tận quận/huyện đạt hơn 95%. Tất cả các Công ty điện lực, các đơn vị thành viên đều có kênh kết nối tốc độ cao, kết hợp kênh dự phòng về EVNCPC. Đồng thời, EVNCPC cũng thiết lập kênh kết nối đến EVN, các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, đơn vị thiết lập kết nối đến các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel với mục đích bảo đảm truy cập Internet và phổ cập ứng dụng/dịch vụ của EVNCPC ra môi trường Internet một cách liên tục, nhanh chóng và an toàn cho người sử dụng.
Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc EVNCPC được thiết kế cho 46 điện thoại viên hoạt động đồng thời, cung cấp thông tin dịch vụ điện cho 13 tỉnh miền trung và Tây Nguyên, đồng thời kết nối 13 hệ thống SCADA của các công ty điện lực để thu thập thông tin mất điện và thông báo kịp thời cho khách hàng.
Trong lĩnh vực văn phòng, hệ thống văn phòng điện tử CPC-eOffice hiện đã triển khai đến tất cả CBCNV. Quy trình soạn thảo, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, xử lý, lưu trữ đều đã thực hiện trên môi trường số. Kênh eOffice Chat trở thành công cụ giao tiếp chính trong hoạt động SXKD. EVNCPC không sử dụng các báo cáo giấy trong hoạt động SXKD nội bộ.
Về các thông số thuộc hệ thống lưới điện phân phối, EVNCPC cũng đi tiên phong và cơ bản hoàn thành số hóa thông tin khách hàng trên nền tảng google maps. Theo đó, thông tin lưới điện, tọa độ cột, tọa độ công tơ khách hàng… được số hóa trên ứng dụng, hiển thị chi tiết trên các thiết bị di động, giúp nhân viên Điện lực nhanh chóng tới hiện trường thực hiện các thao tác nghiệp vụ khi có yêu cầu dịch vụ hay sự cố phát sinh, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang có thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, với sự ra đời của hàng loạt dự án lớn, hàng chục Khu công nghiệp, Khu kinh tế là nơi hấp dẫn cho các nhà đầu tư với nhiều ngành sản xuất chủ lực như ô-tô, sắt thép, hóa dầu, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao. Diện mạo nguồn và lưới điện có EVNCPC quản lý cũng chuyển mình mạnh mẽ, quá trình việc thúc đẩy cuộc cách mạng số hóa sẽ góp phần quan trọng vào lộ trình hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Link gốc