Tại tọa đàm “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp” vừa diễn ra, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, giá điện Việt Nam còn mang tính bao cấp khá nặng, nên mức giá khá thấp dù vài năm gần đây chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao.
“Giá điện thấp khiến tiêu dùng điện nhiều, lãng phí, đồng thời không khuyến khích, thu hút nhà đầu tư sản xuất điện. Nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng chúng ta đang tạo ra “bẫy” công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung”, chuyên gia Trần Đình Thiên bày tỏ.
Ảnh minh họa
|
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho biết, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành vào năm 2010. Thời điểm đó, các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả diễn ra rất mạnh, bởi chúng ta có dư địa rất lớn để áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng với chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao. Đến nay, sau rất nhiều nỗ lực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, chúng ta đã đạt đến ngưỡng “kịch trần” của các giải pháp chi phí thấp.
Tại Việt Nam, để thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần có sự đầu tư đủ lớn để thay đổi dây chuyền, công nghệ nhưng với mức giá điện hiện nay, các doanh nghiệp ít có “động lực” để đầu tư công nghệ mới, hiệu suất năng lượng cao.
“Nếu chúng ta cứ để giá điện thấp với mục tiêu liên quan đến an sinh xã hội, sẽ đổi lại câu chuyện là người tiêu dùng không có động lực để thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng. Chúng ta thấy có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam vẫn dựa vào công nghệ cũ, tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Đây là sự lãng phí. Xét về bản chất, chúng ta đang bù giá, trợ giá cho các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ không thực sự tiên tiến” - ông Hà Đăng Sơn chia sẻ.
Phải khẳng định rằng, điện năng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, các chính sách về đầu tư, phát triển điện năng được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời. Qua đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, ngành Điện nói chung đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của tình hình chính trị trên thế giới dẫn đến chi phí đầu vào sản xuất điện tăng cao. Trong khi đó, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu xã hội nên giá bán điện chưa được tính đúng, tính đủ. Thực tế này gây rất nhiều khó khăn cho ngành Điện cũng như tạo ra những hệ lụy trong việc sử dụng năng lượng.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, đã đến lúc việc giá bán điện cần phải được tính đúng, tính đủ theo chi phí đầu vào; đồng thời đảm bảo thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ. Bởi tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường cũng là yêu cầu khách quan, dẫn dắt sự phát triển ngành Điện nói riêng, đất nước nói chung.