Giá than tăng, chi phí sản xuất điện có tăng theo?

Từ ngày 24/12/2016, giá bán than trong nước cho sản xuất điện tăng 7%. Điều này tác động thế nào đến tình hình sản xuất – kinh doanh của các nhà máy nhiệt điện than? PV Thế giới điện đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1).

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình sử dụng than tại các nhà máy nhiệt điện thuộc EVNGENCO 1?

Ông Nguyễn Khắc Sơn

Ông Nguyễn Khắc Sơn: EVNGENCO 1 hiện đang quản lý một số nhà máy nhiệt điện than, như Nhiệt điện Uông Bí công suất 630 MW, sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 3,5 tỷ kWh. Nhiệt điện Quảng Ninh công suất 1.200 MW, sản lượng trung bình đạt hơn 7 tỷ kWh/năm. Hai nhà máy này sử dụng than của Tập đoàn Công nghiệp  Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

Trung tâm Điện lực Duyên Hải có 2 nhà máy, trong đó Nhiệt điện Duyên Hải 1 sử dụng than trong nước do Tổng công ty Đông Bắc và TKV cung cấp. Mặc dù mới đưa vào vận hành từ đầu tháng 1/2016 và gặp một số khó khăn do phải vận chuyển than từ Quảng Ninh vào Trà Vinh, năng lực bốc dỡ tại Cảng Duyên Hải cũng chưa đạt được theo thiết kế, song EVNGENCO 1 đã phối hợp tốt với 2 đối tác cung cấp đủ than cho Nhà máy.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 sử dụng than nhập khẩu. Năm 2016, Tổng công ty đã tiến hành đấu thầu mua than và tính đến thời điểm này, sản lượng than nhập khẩu được cung cấp từ 3 gói thầu khoảng 2,3 triệu tấn. Năm 2017, tổng sản lượng than nhập khẩu cho Nhiệt điện Duyên Hải 3 sẽ là 3,5 triệu tấn. Hiện nay, việc nhập khẩu than đang đáp ứng được yêu cầu chạy thử nghiệm và vận hành của Nhà máy.

PV: Từ ngày 24/12/2016, giá bán than trong nước đã tăng 7%. Việc này liệu có ảnh hưởng đến tình hình sản xuất – kinh doanh của EVNGENCO 1 không, thưa ông? 

Ông Nguyễn Khắc Sơn: Hiện nay, EVNGENCO 1 đã ký hợp đồng mua than với TKV năm 2017, nhưng mức giá tại thời điểm ký vẫn là giá cũ. Vì vậy, với giá mới điều chỉnh sẽ có phụ lục bổ sung hợp đồng. Theo đó, hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với EVN sẽ được tính đầy đủ chi phí đầu vào cho sản xuất điện theo quy định của Chính phủ.

Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than của EVNGENCO 1 đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Giá than tăng đồng nghĩa với việc giá thành sản xuất điện tăng, việc tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng và có sự chênh lệch lớn giữa các nguồn điện. Sự cạnh tranh giữa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước và than nhập khẩu cũng diễn biến phức tạp và khó khăn hơn. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kết quả sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty.

Giá than tăng kéo chi phí sản xuất điện tăng theo 

PV: Ông có thể nói rõ hơn tác động của giá bán than đến các nhà máy sử dụng than nhập khẩu trong bối cảnh giá than nhập khẩu cũng đang có xu hướng tăng?

Ông Nguyễn Khắc Sơn: Trước mắt, EVNGENCO 1 mới chỉ có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 sử dụng than nhập khẩu. Để đảm bảo đủ nhiên liệu phục vụ chạy thử nghiệm và vận hành Nhà máy, chuẩn bị cấp điện cho khu vực miền Nam từ năm 2017, Tổng công ty đã trực tiếp đấu thầu mua than và mỗi lần nhập than về đều phải có sự đồng ý của Bộ Công Thương, thông qua Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. 

Bên cạnh đó, giá than nhập khẩu cũng thường xuyên biến động theo giá thị trường quốc tế. Vì vậy, khi giá than nhập khẩu thay đổi thì chi phí đầu vào cho sản xuất điện cũng sẽ thay đổi.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề bất cập về cơ chế cho phép nhập khẩu, các thủ tục đấu thầu mua than. Thời gian tới, các vấn đề này cần phải từng bước tháo gỡ, đảm bảo an ninh năng lượng và tính kinh tế trong việc nhập khẩu than, kịp thời đáp ứng được yêu cầu sử dụng than.

PV: Vậy, ông có đề xuất gì đảm bảo kế hoạch sản xuất điện khi giá than tăng?

Ông Nguyễn Khắc Sơn: Hiện nay, EVN là người mua buôn điện duy nhất từ tất cả các nhà máy điện. Với chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng, giá đầu ra lại không được điều chỉnh kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của cả EVNGENCO 1 và EVN. 

Vì vậy, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và EVN cần sớm có giải pháp đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất điện, không gây tác động xấu đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nếu không giải quyết hài hòa bài toán lợi ích thì sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nhất là việc tái đầu tư.    

PV: Xin cảm ơn ông! 

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN cho biết: “Một số chi phí đầu vào của sản xuất điện (đặc biệt là giá than) đã tăng liên tục từ năm 2015, nhưng chưa được cân đối trong giá điện. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí sản xuất điện đội lên hơn 4.692 tỷ đồng”.

 


  • 10/02/2017 03:35
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 16222