Hội thảo góp ý Đề án Chiến lược phát triển EVN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Sáng 21/8, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học về Đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án).

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội; ông Hồ Sỹ Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện các cục, vụ, viện, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, các chuyên gia, nhà khoa học,...

Về phía EVN, có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cùng lãnh đạo các ban chuyên môn của Tập đoàn.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu khai mạc Hội thảo

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo EVN xây dựng Đề án. 

Theo ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban, Đề án đã phản ánh tương đối đầy đủ những kết quả đạt được từ Chiến lược phát triển EVN giai đoạn 2007-2015, đồng thời đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, các cơ hội, thách thức của giai đoạn tới và đưa ra chiến lược phát triển tới năm 2025, định hướng 2030.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý...

“Đề án này có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức hoạt động của EVN trong tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ngành Điện và chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để Ủy ban hoàn thiện Đề án, trình Chính phủ và tham vấn các cơ quan liên quan”, ông Hồ Sỹ Hùng cho hay.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá Đề án được xây dựng công phu, tỉ mỉ trên tinh thần bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đề án cũng đã chỉ ra được những mục tiêu cụ thể trong mọi lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn giai đoạn tới. 

Một số nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhấn mạnh như: Trong thời gian tới, EVN cần tiếp tục xác định rõ hơn vị trí, nhiệm vụ của Tập đoàn, đặc biệt là khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào hoạt động; phân tích sâu hơn những thách thức mà EVN phải đối mặt, khi tỷ trọng sở hữu nguồn điện trong hệ thống ngày càng giảm, vấn đề huy động vốn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới việc cung cấp điện, nhu cầu tăng trưởng phụ tải,...

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần tách bạch nhiệm vụ công ích (đưa điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo) với hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

Cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu của của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định EVN sẽ tiếp thu để bổ sung, hoàn chỉnh Đề án; hướng tới xây dựng EVN trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Một số mục tiêu theo Đề án Chiến lược phát triển EVN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030:

- Phát triển EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi;

- Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác;

- Giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam;

- Có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính;

- Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo;

- Làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả;

- Tối đa hoá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.


  • 21/08/2019 04:17
  • H. Hoa
  • 10169