Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài những cán bộ, công nhân ngành Điện tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu, những người ở lại hậu phương làm việc trên các công trình, các nhà máy điện ở miền Bắc XHCN luôn vững tay búa, chắc tay súng, vừa tham gia lao động sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Nhiều người đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay tại nơi làm việc.
Bác Hồ đến thăm Nhà máy điện Thái Nguyên (ngày 1 tháng 1 năm 1964) |
Lịch sử ngành Điện lực Việt Nam sẽ mãi mãi vinh danh những người thợ điện kiên trung, đã anh dũng chiến đấu, quyết tử cho dòng điện Tổ quốc như: Liệt sĩ Nguyễn Khắc Đạt – công nhân đường dây Nhà máy điện Vinh hi sinh ngay trên cột điện khi đang khắc phục sự cố do máy bay Mỹ đánh phá. Liệt sĩ Nguyễn Hồng Tý - người bảo vệ tại Nhà máy điện Uông Bí đã ôm bình cứu hỏa lao vào cứu kho dầu bị bom Mỹ đốt cháy. Liệt sĩ Hà Thị Tiến – nữ công nhân vận hành lò Nhà máy điện Thái Nguyên, dưới mưa bom, bão đạn vẫn không rời vị trí công tác... Và còn biết bao tấm gương của những người thợ điện làm việc quên mình trong các nhà máy, trên công trường xây dựng điện… đã anh dũng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm bầu trời miền Bắc XHCN. Những tấm gương đó sẽ mãi mãi được các thế hệ những người thợ điện hôm nay và mai sau ghi nhớ, tôn vinh.
Vượt lên sự khốc liệt của chiến tranh, những người thợ điện Việt Nam không ngại hy sinh xương máu để bảo vệ dòng điện phục vụ chiến đấu và sản xuất, bám lò, bám máy đến hơi thở cuối cùng. Tinh thần ấy, ý chí ấy được hun đúc thành truyền thống và được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành “di sản vô giá” của ngành Điện lực Việt Nam.
Tự vệ Nhà máy điện Hàm Rồng trực chiến, bảo vệ nhà máy và cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), năm 1965 |
Những lời hiệu triệu, kêu gọi, cổ vũ, động viên cán bộ, công nhân ngành Điện trong cuộc chiến đấu chống Mỹ đến nay vẫn còn sống mãi với thời gian, khắc sâu vào tâm trí các thế hệ tiếp nối truyền thống cha anh như: “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Giữ vững dòng điện như giữ máu trong tim”, “Tăng thêm 1 ki lô oát điện, giảm 1 gam than là thêm một đòn trực tiếp giáng vào đầu Đế quốc Mỹ xâm lược”…
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà máy điện đã bị tàn phá nặng nề, buộc phải ngừng hoạt động, nhưng những di tích lịch sử, những tấm gương thợ điện kiên cường, anh dũng và những câu chuyện của quá khứ sẽ luôn được trân trọng và gìn giữ. Các nhà máy điện Yên Phụ, Việt Trì, Vinh và nhiều cơ sở điện lực khác đã trở thành những “tượng đài” về tinh thần lao động quên mình, anh dũng và bất khuất trong chiến đấu của người thợ điện năm xưa, là nguồn sức mạnh lớn lao cổ vũ, động viên các thế hệ người làm điện hôm nay tiếp nối truyền thống cha anh, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Tự vệ Nhà máy điện Việt Trì bám sát trận địa sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ để bảo vệ dòng điện thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1967 |
Gần 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành Điện Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc, phát triển bền vững. Đến nay, tổng công suất nguồn điện trong toàn hệ thống đã lên đến hơn 76.600MW, lưới điện quốc gia đã vươn đến khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, sự phát triển của ngành Điện còn góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị - xã hội, trên cơ sở thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia như: Điện khí hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới... đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo của Tổ quốc. Đến nay, 100% số xã trong cả nước đã có điện lưới quốc gia, 99,65% số hộ dân trên cả nước đã được sử dụng điện. Đa số đồng bào các dân tộc tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo của tổ quốc cũng đã có điện sử dụng.
Nhìn lại chặng đường gần 70 năm xây dựng và phát triển, những thành quả mà các thế hệ CBCNV người lao động ngành Điện Việt Nam đạt được là rất tự hào! Những thành quả ấy được kết tinh từ sức mạnh trí tuệ tập thể, từ mồ hôi, nước mắt và biết bao máu xương của lớp lớp cha anh đi trước. Bởi vậy, mỗi CBCNV ngành Điện hôm nay cần hiểu rõ truyền thống vẻ vang trong lao động sáng tạo, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Điện Việt Nam, từ đó, xác định trách nhiệm của mình là không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng Tập đoàn ngày càng phát triển bền vững, kinh doanh hiệu quả, đền đáp xứng đáng sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước.
Được sống và làm việc trong đất nước thanh bình, tự do, chúng ta không bao giờ được phép lãng quên những hy sinh to lớn, những mất mát không thể bù đắp được của những gia đình cán bộ, công nhân ngành Điện có thân nhân là anh hùng, liệt sĩ, thương binh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Hầu hết, họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại phía sau những người mẹ khóc cạn nước mắt vì mất con, những đứa trẻ vài ba tháng tuổi đã chịu cảnh mồ côi cha, những vết thương lòng mãi mãi không thể lành của những người vợ mất chồng…
Toàn cảnh nhà máy điện Uông Bí bị tàn phá nặng nề sau trận ném bom Lade của Mỹ, năm 1965 |
Vì vậy, chúng ta cũng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo, đền ơn đáp nghĩa với các gia đình thương binh, liệt sĩ trong ngành nói riêng và phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng”. Đó vừa là đạo lý của dân tộc và cũng là giá trị văn hóa truyền thống của người làm điện Việt Nam.
Trong những năm tới, nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn hết sức nặng nề. Song song với việc đảm bảo cấp điện ổn định với chất lượng ngày càng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, thực hiện tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp một cách toàn diện, hướng tới phát triển một cách bền vững, Tập đoàn còn thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm sóc gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng và với sự phát triển ngành điện.
Hy vọng, với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nguồn: Ấn phẩm "Tim có thể ngừng đập, điện không thể tắt"
Share