Phát huy tốt tinh thần đoàn kết
Sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ. Bác cặn dặn: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. Bác còn căn dặn cán bộ, công nhân viên Nhà máy điện phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết, thi đua nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu.
Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Bác Hồ coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết, thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của mỗi tổ chức Đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh sống còn của toàn Đảng. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Việc học theo tấm gương Bác, làm theo lời dạy của Bác về tư tưởng và tinh thần đoàn kết đến nay vẫn luôn giữ nguyên giá trị và tính thời sự. Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành của EVN, tinh thần đoàn kết đã trở thành nét đẹp văn hoá đặc trưng. Mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều thấm nhuần tư tưởng, nhận thức về tinh thần đoàn kết nội bộ, giúp đỡ, tương thân tương ái trong công việc và trong cuộc sống. Tinh thần đó đã được chuyển hoá thành hành động cụ thể, thiết thực của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Trải qua nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, CBCNV ngành Điện, tinh thần đoàn kết đó vẫn được gìn giữ, phát huy và đã trở thành truyền thống tốt đẹp, là sợi dây gắn kết các thành viên trong Tập đoàn, giúp EVN tạo dựng một tập thể vững mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, trước nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa, Đảng ta đã tổng kết, cảnh báo về biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Nơi này, nơi khác vẫn còn tình trạng mượn cớ phát huy dân chủ, núp bóng phê bình để hạ thấp uy tín, bôi nhọ lẫn nhau, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ. Nhìn thẳng vào diễn biến thực tế cho thấy, một số tập thể cấp ủy, đơn vị vốn có truyền thống đoàn kết tốt đẹp trước đây, nay đã có lúc bị phai nhạt, có những sai phạm về công tác cán bộ mà nguyên nhân xuất phát từ việc mất đoàn kết nội bộ.
Tuy nhiên, những biến cố đã qua cũng là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lời Bác dạy: Nếu một bộ phận, một người mắc khuyết điểm không sửa chữa kịp thời, sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của cả guồng máy. Ở đây, chúng ta cũng cần ghi nhận những nỗ lực học tập của lớp lớp cha anh trong ngành Điện đã gương mẫu, quyết tâm giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ trong suốt chặng đường dài để thế hệ CBCNV ngành Điện hôm nay có thêm động lực, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt lời dạy của Bác “Phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua làm cho Nhà máy phát triển”.
Ngành Điện đã có những bước tiến vượt bậc. Trong ảnh: Trên nền của Nhà máy điện Yên Phụ năm xưa, Tòa nhà EVN tại số 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội được xây dựng khang trang, hiện đại
|
Thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ được giao
Học và làm theo lời dạy của Bác được EVN cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả SXKD; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thông qua phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động vì cộng đồng.
Những năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng vào lĩnh vực SXKD và dịch vụ khách hàng của EVN đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lao động, tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện. Tính đến hết năm 2018, năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng gần 11% so với năm 2017, đạt 2,18 triệu kWh/người (gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước 5,93%). EVN tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Trong đó, riêng về năng suất lao động phải tăng trên 10% so với năm 2018.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được EVN thực hiện đồng bộ với các giải pháp quản trị và kiểm soát hiệu quả chi phí sản xuất, quản lý và giá thành sản phẩm. Kết quả từ việc tiết kiệm chi phí đã làm cho giá thành sản xuất điện năm sau đều giảm so với năm trước. Nhờ đó, giá thành sản xuất điện năng giảm tương ứng khoảng 11-12 đồng/kWh, tương ứng 0,68%-0,69% so với giá bán lẻ điện bình quân năm.
Tổn thất điện năng của hệ thống điện năm 2018 đạt 6,83% là ngưỡng không nhiều nước trên thế giới đạt được. Độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện năm sau tốt hơn năm trước. Tập đoàn phấn đấu giảm thời gian mất điện bình quân của khách hàng, sẽ đạt trình độ vận hành hệ thống điện của nhóm ASEAN 4 vào năm 2020. Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN luôn luôn giảm (thời gian thực hiện của EVN chỉ còn dưới 4 ngày), tăng 69 bậc trong vòng 3 năm, từ bậc 96/190 lên bậc 27/190 quốc gia, nền kinh tế.
Thời gian gần đây, EVN đã có sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng sử dụng điện. Sự chuyển biến tư duy từ cung cấp điện sang dịch vụ chăm sóc khách hàng, coi khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động điện lực đã tạo thành nét đẹp văn hóa kinh doanh điện lực “văn minh, minh bạch và hiệu quả”. Nhờ đó, mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện đã đạt trên 8,0 điểm năm 2018, đưa EVN lên vị trí thứ hai về dịch vụ chăm sóc khách hàng trong toàn quốc (chỉ sau VNPT).
Thành tựu nổi bật của ngành Điện Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao. Đó là công cuộc điện khí hóa nông thôn, cấp điện cho người dân miền núi, vùng dân tộc và hải đảo. Nếu năm 1975 Việt Nam chỉ có 25% số huyện, 15% số xã và 2,5% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2018, con số đó đã thay đổi đến mức hoàn hảo: 100% số huyện, 100% số xã và 99,05% hộ dân nông thôn có điện. Đồng thời, EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo trên cả nước, trong đó có huyện đảo Trường Sa, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ SXKD, EVN luôn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình. Từ năm 1995 đến nay, Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào các quỹ tấm lòng vàng, xoá đói giảm nghèo,… chung tay cùng cả nước khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ; phụng dưỡng suốt đời gần 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn đã hoàn thành các chương trình hỗ trợ 03 huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ tỉnh Lai Châu thoát nghèo với tổng số tiền thực hiện gần 575 tỷ đồng.
Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, sẽ còn nhiều thách thức lớn đặt ra đối với EVN. Đất nước đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo nhu cầu điện năng liên tục gia tăng, đã tạo áp lực lớn đối với ngành Điện. Bên cạnh đó, EVN còn gặp nhiều khó khăn trong: Thu xếp vốn, giải phóng mặt bằng cho các công trình điện; nhiên liệu cho phát điện; cân đối giữa doanh thu và chi phí trước sự biến động thường xuyên các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh điện... Trước những thách thức đó, EVN sẽ luôn cố gắng, đoàn kết, quyết tâm, vươn lên, phát triển một cách bền vững, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó; thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu.