Mua đồ điện “secondhand” Nhật Bản: Cẩn tắc vô ưu...

10:37, 14/10/2015

Hàng Nhật nổi tiếng tốt, bền và tiết kiệm điện, nên dù đã qua sử dụng (còn gọi là hàng secondhand) vẫn được nhiều người Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, vì là đồ cũ, nếu không cẩn trọng khi mua, người tiêu dùng rất dễ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Ảnh minh họa

Cũ nhưng vẫn…  “hot”
 
Không khó để tìm mua các thiết bị điện, điện tử cũ của Nhật Bản tại Việt Nam. Với từ khóa “Đồ điện cũ Nhật Bản” hay “hàng secondhand Nhật Bản, chỉ trong vòng 0,49 giây Google đã cho ra 1.010.000 kết quả: Từ các công ty, cửa hàng đến các trang rao vặt online với đa dạng các sản phẩm như điện thoại di động, nồi cơm điện, điều hoà, tủ lạnh, máy giặt...
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuy là đồ cũ, giá rẻ hơn so với sản phẩm mới cùng loại, nhưng đồ điện cũ được nhập về từ Nhật Bản vẫn khá đắt khách. 
 
Anh Hùng - nhân viên một cửa hàng chuyên cung cấp thiết bị điện cũ từ Nhật Bản trên phố Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hàng của Nhật Bản tốt, bền và tiết kiệm điện, nhưng không phải ai cũng có điều kiện mua mới vì giá quá đắt. Chính vì vậy, nhiều người chọn phương án mua sản phẩm đã qua sử dụng, bởi so với hàng Trung Quốc hoặc các hãng không tên tuổi thì giá có thể cao hơn, nhưng so với hàng mới cùng thương hiệu của Nhật Bản thì rẻ hơn rất nhiều.
 
Cụ thể, nồi cơm điện mới của Nhật loại bình thường đã có giá 8-9 triệu đồng; trong khi đó nồi cũ chỉ từ 1,1- 1,8 triệu đồng. So với nồi mới được sản xuất tại Việt Nam, hoặc liên doanh, mức giá này không phải rẻ, nhưng độ bền cao và tiết kiệm điện.
 
Tại Việt Nam, đa phần các thiết bị điện đều sử dụng đến khi hỏng mới bỏ đi. Còn tại Nhật Bản và nhiều nước tiên tiến khác, khi thiết bị hết hạn sử dụng, người dân sẽ loại bỏ hoặc bán cho các chợ, cửa hàng kinh doanh đồ cũ. Chính vì vậy, ở Nhật Bản có các chợ, bãi, chuyên cung cấp các thiết bị điện đã qua sử dụng. Hầu hết các sản phẩm nhập về Việt Nam đều được thu mua từ đây nên có những sản phẩm giá trị sử dụng không còn nhiều.
 
Điều đáng nói, tại Việt Nam, rất nhiều cửa hàng bán đồ điện cũ của Nhật Bản chỉ đơn thuần là phân phối sản phẩm, chứ không có chính sách bảo hành, hậu mãi. Do đó, nếu mua phải hàng quá cũ hoặc bị lỗi, người tiêu dùng chỉ còn biết cách “kêu trời”. Bởi hàng Nhật tuy bền, nhưng nếu hỏng hóc rất khó sửa vì không có linh kiện, phụ tùng thay thế. 
 
Thận trọng khi mua hàng
 
“Hầu hết đồ cũ Nhật Bản đều qua sử dụng từ 2 - 5 năm. Khi chuyển về Việt Nam, chúng đều được “mông má”, làm mới. Chính vì vậy, nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng rất dễ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, anh Hùng chia sẻ. 
 
Theo anh Hùng, người tiêu dùng nên chọn những cửa hàng uy tín và lưu ý đến chế độ bảo hành, bảo dưỡng sau bán hàng. Đặc biệt, ưu tiên những công ty, cửa hàng chuyên bán đồ Nhật Bản và có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, bởi trên sản phẩm chủ yếu là tiếng Nhật. 
 
Bên cạnh đó, người mua cũng cần xem kỹ tính năng sử dụng, các thông số, mức tiêu thụ điện năng của sản phẩm, bởi thiết bị được nhập về từ Nhật Bản nhưng có thể đã bị sửa chữa, thay thế linh kiện. Đặc biệt, cần lưu ý đến hạn sử dụng của thiết bị, tránh tình trạng mua phải sản phẩm quá cũ, giá trị sử dụng không còn nhiều. 
 
Nhật Bản dùng nguồn điện 110 V, nên khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cần mua kèm thêm bộ đổi nguồn điện để chuyển sang nguồn điện 220 V, nếu không, thiết bị sẽ bị chập, cháy. 
 
Chị Đỗ Thị Lân (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội): Mua đồ điện cũ của Nhật về cơ bản là “may hơn khôn”. Ba năm trước tôi mua một chiếc bếp từ cũ của Nhật, đến nay, bếp vẫn tốt và rất tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nếu trong quá trình sử dụng, thiết bị gặp sự cố thì cũng chỉ có đường “bỏ đi”, vì tìm được cửa hàng sửa chữa là cả một vấn đề. Khi tôi mua sản phẩm này, người bán hàng còn không biết cách sử dụng, nói gì đến sửa. 
 

Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện

Share

EVN và Tập đoàn Karpowership (Thổ Nhĩ Kỳ) trao đổi thông tin về giải pháp tàu phát điện nổi

EVN và Tập đoàn Karpowership (Thổ Nhĩ Kỳ) trao đổi thông tin về giải pháp tàu phát điện nổi

Giải pháp cung cấp điện bằng tàu phát điện nổi được đại diện của Công ty Karpowership (Thổ Nhĩ Kỳ) giới thiệu, khi đến làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 7/7 tại Hà Nội.



Điện lực miền Bắc vận động lắp điện mặt trời mái nhà: Giảm tiền điện, chia sẻ với hàng xóm

Điện lực miền Bắc vận động lắp điện mặt trời mái nhà: Giảm tiền điện, chia sẻ với hàng xóm

Tiêu thụ điện đã lập đỉnh mới, áp lực cung ứng điện tăng lên trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn. Giải pháp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu dùng đang được Tổng công ty Điện lực miền Bắc tích cực vận động.


Hoàn thành nghiệm thu xuất xưởng máy biến áp 70MVA – 132/33kV cho thị trường Australia

Hoàn thành nghiệm thu xuất xưởng máy biến áp 70MVA – 132/33kV cho thị trường Australia

18 hạng mục thử nghiệm được thông qua dựa trên tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt và yêu cầu riêng của điện lực nước này, đặc biệt về độ an toàn, khả năng chịu sét và vận hành trong môi trường nhiệt độ cao.


Giao lưu các điển hình tiên tiến EVN: Ấn tượng và lan tỏa

Giao lưu các điển hình tiên tiến EVN: Ấn tượng và lan tỏa

Yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực làm việc và làm việc sáng tạo,... Đó là một số điểm chung của những tấm gương điển hình tiên tiến đã tham gia giao lưu, chia sẻ trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ V (giai đoạn 2025 – 2030) vừa qua. Evn.com.vn lược ghi một số ý kiến.