Nâng cao năng lực quản trị tài chính để vượt qua khó khăn

Bà Lê Dung - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup nhận định, bối cảnh kinh tế năm 2023 còn nhiều khó khăn, rủi ro về tài chính đối với các doanh nghiệp vẫn luôn hiện hữu, nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị tài chính sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì hoạt động và tăng trưởng, phát triển bền vững.

* Quản trị tài chính có vai trò thế nào đối với doanh nghiệp, thưa bà?

- Tài chính của doanh nghiệp được ví như “mạch máu” trong cơ thể người, dòng máu phải được tuần hoàn điều tiết tối ưu nhằm đảm bảo sự sinh tồn, phát triển và khỏe mạnh của cơ thể. Quản trị tài chính là bộ máy điều tiết dòng tiền của doanh nghiệp, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nếu quản trị tài chính không hiệu quả thì doanh nghiệp có thể dẫn đến thất bại, bị phá sản bất cứ lúc nào cho dù doanh nghiệp đó có thể có rất nhiều tiền.

Quản trị tài chính sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát nguồn lực, khả năng thanh toán trong ngắn hạn và dài hạn, khả năng sinh lời và quay vòng vốn từng dự án đầu tư, tối ưu chi phí để nâng cao hiệu suất dòng tiền… kịp thời đề ra các giải pháp làm lành mạnh hóa tình hình tài chính - kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

* Đại đa số doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, năng lực phát triển còn nhiều hạn chế, bà đánh giá thế nào về trình độ quản trị tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

- Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam thường không có bộ phận (phòng) tài chính chuyên biệt, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng công tác quản trị tài chính, khi bị rơi vào khó khăn, suy thoái mới đưa ra những giải pháp để ứng phó với những rủi ro thì đã quá muộn, rất khó mang lại tác động lớn.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khâu quản trị tài chính hiện nay thường rất lỏng lèo, nhất là doanh nghiệp ở khu vực tư nhân khi chủ doanh nghiệp vừa là người điều hành, vừa đưa ra các quyết định tài chính (kiểu quản trị all in one), tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp thường lẫn lộn, nhiều chủ doanh nghiệp dùng tài khoản công ty để chi tiêu cho các hoạt động cá nhân và ngược lại, thiếu tách bạch các yếu tố về tài chính nên rất khó đảm bảo sự ổn định và an toàn về tài chính. Đặc biệt, khi các chủ doanh nghiệp lạm dụng tài chính doanh nghiệp để chi tiêu cho các mục đích cá nhân, thì doanh nghiệp đó sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng mất khả năng thanh khoản, mất kiểm soát về tài chính.

Ngay cả các doanh nghiệp tầm trung có doanh thu khoảng trên 100 tỷ đồng/năm rất cần có bộ phận tài chính chuyên biệt, cần có một giám đốc về tài chính (CFO) để làm công tác quản trị nhằm đảm bảo ổn định, lành mạnh hóa dòng tiền và tài chính cho doanh nghiệp, thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có.

* Bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro nào về tài chính doanh nghiệp có thể gặp, giải pháp nào để khắc phục, thưa bà?

- Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể về nguồn vốn và dòng tiền. Các nguồn vốn trước đây có thể huy động từ cổ đông, ngân hàng, trái phiếu hay từ các quỹ đầu tư… đang bị co lại, khó huy động hơn, doanh nghiệp không phát hành trái phiếu được, ngân hàng thì cho vay nhỏ giọt, các cổ đông của doanh nghiệp cũng không sẵn sàng bỏ tiền đầu tư thêm.

Các khoản thu từ khách hàng trước đây đúng hạn, thường trong vòng 30 ngày, 60 ngày, thì hiện nay nhiều khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp lại rất trì trệ trong khâu thanh toán, từ đó gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thu hồi nợ, tạo ra nhiều áp lực về tài chính. 

Để loại bỏ bớt các rủi ro về tài chính cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tăng cường cải thiện kinh tế vĩ mô, bởi GDP nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng trưởng ở mức 3,72%, trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm 2023 là 6-6,5%, kinh tế vĩ mô cải thiện thì môi trường kinh doanh mới được cải thiện.

Đối với các doanh nghiệp, cần nâng cao khả năng mở rộng tiếp cận vốn ngân hàng, từ các quỹ đầu tư, từ dòng tiền đến từ khách hàng, đầu ra nhà cung cấp của mình, tận dụng triệt để các nguồn vốn để tạo ra dòng tiền dương. Điều này là rất quan trọng, vì nhiều doanh nghiệp đã bị dòng tiền âm, tức là dòng tiền chi ra nhiều hơn thu vào. Nếu dòng tiền âm từ 1-3 tháng có thể chịu được, nhưng âm từ khoảng 6 tháng thì doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh khoản và vỡ nợ, nếu dòng tiền âm một năm thì khả năng vỡ nợ rất lớn. 

Doanh nghiệp nên rà soát lại các kế hoạch tài chính, các nguồn vốn, cấu trúc lại chi phí, những khoản chi phí trước đây không cần thiết cần phải tối ưu lại hoặc loại bỏ, tiết giảm các khoản chi không cần thiết. Các khoản phải thu cần thúc đẩy nhanh hơn, các chi phí đầu ra quá lớn cần phải tìm cách chia nhỏ nó ra để có thể chịu đựng được và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

* Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận (vay) tín dụng ngân hàng, theo bà, có nguyên nhân quản trị về tài chính của doanh nghiệp hay không, doanh nghiệp cần làm gì để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng?

- Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay ngân hàng là do không đủ chuẩn vay, thiếu minh bạch về tài chính, thiếu phương án kinh doanh hiệu quả, phương án trả nợ còn thiếu tính khả thi. 

Để thuận lợi tiếp cận tín dụng, theo tôi, trong ngắn hạn các doanh nghiệp nên chọn các gói tín dụng nhỏ, phù hợp với mức độ uy tín và tình hình tài chính của doanh nghiệp mình. Trong dài hạn, cần phải có sự minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu doanh nghiệp với tài chính của doanh nghiệp; báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán có uy tín; doanh nghiệp phải nâng cao trình độ quản lý, tổ chức, điều hành nguồn vốn, cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh… để ngân hàng đánh giá được mức độ uy tín, tính khả thi của các phương án kinh doanh, trả nợ thì họ mới cho vay.

* Kinh tế số, xã hội số... phát triển, theo bà, những kiến thức, kỹ năng nào doanh nghiệp cần phải có, cần cập nhật để tối ưu hóa quản trị tài chính?

- Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số, phần mềm… để quản lý dữ liệu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay 70% doanh nghiệp nhỏ vẫn áp dụng quản lý tài chính bằng phương pháp thủ công, truyền thống, những phần mềm hỗ trợ quản trị tài chính có thể áp dụng thì năng lực và khả năng ứng dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ còn rất hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính đầu tư, thiếu đội ngủ nhân sự có đủ trình độ, năng lực để làm chủ và vận hành công nghệ mới.

Trên thị trường đã có một số phần mềm tích hợp các yếu tố hỗ trợ quản trị tài chính doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng là phải do ý chí của người đứng đầu doanh nghiệp trong định hướng phát triển, tìm hiểu, cập nhật các kỹ năng, kiến thức, công cụ để ứng dụng vào thực tiễn quản trị tài chính tại doanh nghiệp mình, qua đó mới giúp tối ưu hóa các đầu việc có liên quan.

Doanh nghiệp mỗi ngày đều có bảng thu - chi, tiền vào - ra, cho nên quản trị tài chính cần cập nhật đầy đủ các thông tin, quản lý tốt dòng tiền vào - ra xem chỗ nào âm, chỗ nào dương để có các giải pháp điều hòa, xử lý. 

Cần phân tích và dự báo tình hình tài chính của doanh nghiệp cho ít nhất 3 năm đối với bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh, dòng tiền; dự báo phải có những giả định về doanh thu tăng trưởng bao nhiêu, chi phí tăng trưởng thế nào, dự báo chi phí sử dụng các tài sản ngắn hạn, trung hạn và dài hạn… Nói chung, doanh nghiệp cần phải xây dựng được kế hoạch tài chính trong vòng 3 năm tới bên cạnh việc quản trị dòng tiền cho mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi quý và mỗi năm.

* Xin cảm ơn bà!

Link gốc


  • 10/07/2023 02:04
  • Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/
  • 3786