“Nếu có thể, hãy dùng quạt”

Dùng năng lượng hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong chống biến đổi khí hậu. WWF ví von “dùng quạt cũng giúp chống biến đổi khí hậu, vì quạt tốn ít năng lượng gấp 50 lần điều hòa”.

Việt Nam là một trong mười quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu. Việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Trong buổi tọa đàm “Chia sẻ giải pháp chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0” do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) tổ chức ngày 7/11/2023, các chuyên gia trong ngành năng lượng cả trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kết quả và các giải pháp đang và sẽ thực hiện để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM cho biết: “Trong những năm qua, VCCI cùng với các đối tác trong nước và quốc tế đã có nhiều hoạt động, chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó có dự án ‘Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)’ do Chính phủ Đức tài trợ và được triển khai đồng thời tại Việt Nam, Uganda và Nepal”.

Dự án này đưa ra 4 khuyến nghị cụ thể cho giai đoạn 2022-2030 gồm: Tích hợp phát triển năng lượng tái tạo vào ngành điện; Điện khí hóa ngành giao thông vận tải; Phát triển điện gió ngoài khơi; và Tích hợp các mục tiêu biến đổi khí hậu với mục tiêu NDC của Việt Nam.

Đại diện của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF) nêu ra một khẳng định: “Đến năm 2030, thế giới phải tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo và nhân đôi hiệu quả sử dụng năng lượng để giữ cho khí hậu không biến đổi quá 1,5 độ C”.

WWF cũng khẳng định Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc. Tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cam kết NDC của Việt Nam.

Theo WWF, ở Việt Nam, các tòa nhà đang tiêu thụ nhiều năng lượng đứng thứ nhì trong các ngành, chiếm 27% tổng năng lượng, chỉ sau ngành sản xuất với 47%, và cao hơn cả ngành giao thông với 23%.

Trong sinh hoạt thì điều hòa đang và ngày càng sẽ là nguồn “ngốn” nhiều năng lượng nhất kể từ giờ đến năm 2050 (là năm Việt Nam cam kết sẽ phát thải ròng bằng 0). Theo số liệu từ EVN, các tòa nhà công sở đang phải bỏ ra 45% năng lượng cho máy lạnh, ngành bán lẻ bỏ ra 41% và các khách sạn tiêu tốn 42%. Dự báo đến năm 2050, năng lượng điều hòa tiêu thụ sẽ chiếm đến 70% tổng lượng năng lượng trong các hộ gia đình (số liệu từ ADB).

Đây chính là một lượng năng lượng khổng lồ. Thành thử nếu giảm được lượng năng lượng tiêu thụ cho điều hòa cũng chính là tăng được hiệu quả sử dụng năng lượng lên rất nhiều.

Nếu các tòa nhà mới được xây sử dụng các công nghệ “xanh”, hòa hợp với thiên nhiên, quản lý tiêu thụ năng lượng tốt thì có thể giúp tiết kiệm được tới 95% lượng năng lượng tiêu thụ cho việc làm mát.

Ông Richard Scotney, chuyên gia tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả của WWF, nói, trước mắt, một hành động nhỏ của mỗi người cũng góp phần lớn lao giúp chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó là tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng các thiết bị tiêu tốn ít năng lượng. Ví dụ, điều hòa tiêu tốn năng lượng gấp 50 lần quạt. Vì thế, ông kêu gọi: “Hãy dùng quạt, nếu có thể”.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Giám đốc điều hành Công ty CP Phong điện Thuận Bình đồng tình với lời kêu gọi này. Theo ông, với chỉ tiêu “nhân 3 năng lượng tái tạo và nhân đôi hiệu quả sử dụng năng lượng” mà WWF nêu ra, thì Việt Nam nên tập trung vào việc “nhân đôi hiệu quả sử dụng” hơn, vì “Hiện nay tỷ trọng năng lượng tái tạo vẫn chưa nhiều lắm mà hệ thống truyền tải điện đã ‘chới với’ rồi”.

Theo ông, tăng khối lượng năng lượng tái tạo lên thì rất tốn kém, khó khăn. Năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng lưới điện không theo kịp. Bởi vậy, cốt lõi giải pháp hiện nay vẫn là làm sao để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. “Chưa cần tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, chỉ cần ‘gấp đôi hiệu quả’ đã là hạnh phúc lắm rồi”, ông nói.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI-HCM, đánh giá, mục tiêu đến năm 2030 điện năng lượng mặt trời chiếm tỉ trọng từ 30-40% và năm 2050 chiếm tỉ trọng 60-70% theo quy hoạch là một mục tiêu rất tham vọng. Và yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này là các cơ chế chính sách. Cơ chế chính sách cần thông thoáng, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho doanh nghiệp phát triển. Đó sẽ là mấu chốt để thành công cho quy hoạch.

Ông Nam cho rằng, hạt nhân thực hiện mục tiêu này chính là các doanh nghiệp. Mức độ tỷ trọng năng lượng tái tạo cao như kể trên là một thử thách, thậm chí đối với cả các nước phát triển chứ không chỉ với Việt Nam.

VCCI có một vai trò quan trọng trong bức tranh này. VCCI sẽ là cầu nối, phối hợp nhiều tổ chức, cơ quan tạo ra sự nhận thức, cũng như cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để tất cả nhìn ra sức ép phải chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải. Việt Nam và các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển dịch vì nếu không làm thì bị loại khỏi sân chơi quốc tế.

“Đóng cửa hoặc tuân thủ”, ông Nam khẳng định.

Link gốc


  • 08/11/2023 11:38
  • Theo diendandoanhnghiep.vn
  • 3279