Ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh

Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020

Ngày 14/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 852/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Quyết định 852).

Theo đó, Kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên của EVN giai đoạn 2017 - 2020 như sau:

* Doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:

• Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1

• Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2

* Doanh nghiệp do EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:

• Cổ phần hóa ba Tổng công ty Phát điện 1,2,3 (EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ các Tổng công ty Phát điện đến hết năm 2019, năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn Nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối);

• Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 (thoái vốn sau khi hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3).

* EVN thực hiện thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp sau:

• Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực;

• Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức;

• Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty Cổ phần;

• Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình;

• Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3;

• Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4.

Ngày 25/7/2020, tại Cảng biển Mũi Độc, khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Lễ Triển khai thi công và phát động thi đua hoàn thành xây dựng cảng nhập than và đê chắn sóng của Dự án cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.

3. Tổng công suất nguồn điện xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 23 thế giới

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống là khoảng 69.300 MW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430 MW, chiếm 25,2%.

EVN đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước. Điện đã, đang thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, sản lượng điện thương phẩm đã tăng trưởng từ 85,4 tỷ kWh lên mức khoảng 216 tỷ kWh. Tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân đạt khoảng 9,72%/năm. Chất lượng điện năng, dịch vụ cung cấp điện cũng được cải tiến vượt bậc. 

4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo

Đến cuối năm 2020, EVN đã cấp điện đến 100% số xã và 99,54% số hộ dân trên cả nước, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%. Ngoài ra, EVN đã thực hiện cấp điện và bán điện trực tiếp đến 11/12 huyện đảo trong cả nước.

Với kết quả ấn tượng này, EVN đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia.

5. Thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh huy động nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, EVN vẫn nỗ lực đảm bảo đầu tư các công trình điện theo quy hoạch.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 3,5 lần so với giai đoạn 2001 - 2010.

- Đưa vào vận hành 21 dự án nguồn điện với tổng công suất 17.120MW. 

- Đóng điện 1.936 công trình từ 110 - 500kV với 8.290 km đường dây, tổng công suất các trạm biến áp 26.123MVA, tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống. Trong đó, có các dự án quan trọng như: Đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông; các công trình lưới điện 500kV đấu nối/giải tỏa các nguồn điện;...

- Đồng thời, EVN cũng chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ các nhà đầu tư giải tỏa công suất đấu nối nguồn điện mặt trời, điện gió... vào hệ thống điện.

6. Đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa và triển khai thị trường điện đúng lộ trình; bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, sản xuất kinh doanh có lãi

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN đã, đang tiếp tục cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu đúng lộ trình. Đặc biệt, Tập đoàn đã triển khai, vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thành công. Đồng thời, đang vận hành hiệu quả thị trường bán buôn cạnh tranh theo quy định.

Giai đoạn 2011 - 2020,Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước khoảng 183.152 tỷ đồng.

Đến hết năm 2020, EVN đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ sắp xếp, tái cơ cấu tại Quyết định 852 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân (thứ 2, từ trái sang) đại diện cho EVN - một trong 30 doanh nghiệp được lựa chọn tôn vinh tại Lễ Tôn vinh Người nộp thuế tiêu biểu trong quá trình 30 năm đồng hành và phát triển cùng ngành thuế đất nước (giai đoạn 1990-2020). Sự kiện diễn ra ngày 5/10/2020, tại Hà Nội.

7. Tích cực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị và năng suất lao động, triển khai chuyển đổi số

Những năm gần đây, EVN luôn tích cực, nhanh nhạy trong ứng dụng khoa họa kỹ thuật và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV vào mọi lĩnh vực hoạt động.

Tính đến cuối năm 2020, trong toàn Tập đoàn đã đưa vào vận hành 63 Trung tâm điều khiển và thực hiện điều khiển xa cho 710/854  trạm biến áp 220kV và 110kV không người trực.

Đến nay, EVN đã "số hóa" trên 90% các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chính.

Tập đoàn đã cung cấp các dịch vụ điện lực tương đương cấp độ 4.

Năm 2019 và năm 2020, EVN được vinh danh là đơn vị chuyển đổi số xuất sắc.

8. Nhiều đổi mới đột phá trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng

Với phương châm lấy khách hàng làm mục tiêu phát triển, dịch vụ khách hàng của EVN được đổi mới đồng bộ theo phương châm “3 dễ: Dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát”.

Các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng được EVN ban hành theo tiêu chuẩn chung của quốc tế. Điểm hài lòng khách hàng dành cho EVN không ngừng tăng lên, từ 6,45 điểm năm 2013 lên 8,3 điểm năm 2019.

EVN cũng là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên triển khai hóa đơn điện tử từ năm 2012, đến nay 100% các dịch vụ điện lực đã được thực hiện cấp độ 4 và được giao dịch qua các phương thức điện tử.

EVN đã triển khai, cung cấp dịch vụ điện tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các Trung tâm hành chính công, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của 63 tỉnh/thành phố trong cả nước, thực hiện cơ chế 1 cửa liên thông giữa ngành Điện với các Sở, Ban, ngành tại nhiều địa phương…

9. Thực hiện giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong 2 đợt với giá trị hơn 12.300 tỷ đồng

Nhằm chung tay hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (năm 2020), EVN đã chủ động đề xuất với Chính phủ và các Bộ liên quan, triển khai 02 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng. Tổng giá trị dự kiến cả 2 đợt lên tới hơn 12.300 tỷ đồng, tổng thời gian giảm lên tới 06 tháng.

Việc làm này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đáng giá cao của cộng đồng xã hội, khách hàng dùng điện trong cả nước.

10. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2016 – 2020

Tiêu biểu như: tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam năm 2020 giảm xuống còn 6,42% - tương đương với chỉ số này của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, nhiều Công ty Điện lực đã đưa chỉ số này xuống còn 2-3%. Tập đoàn tiếp tục phấn đấu mức giảm tổn thất điện năng đến năm 2025 xuống còn 6%.

Độ tin cậy cung cấp điện đạt SAIDI đạt 346,12 phút (trong đó EVNHCM đạt 57 phút tương đương với chỉ số SAIDI của Malaysia).

Năng suất lao động bình quân toàn EVN tăng cao, tăng trung bình 10%/năm. Năng suất lao động năm 2020 đạt 2,52 triệu kWh/người.

EVN cũng đã xây dựng và đang tiếp tục triển khai nhiều đề án nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam liên tục cải thiện thứ bậc. Đến nay, chỉ số này được xếp hạng 27/190 quốc gia trên thế giới.

Chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp của Tập đoàn theo xếp hạng của Fitch Ratings đạt mức BB+ với triển vọng ổn định (ngang bằng với chỉ số tín nhiệm quốc gia). Việc cải thiện, thăng hạng các chỉ số này đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng uy tín/cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

11. Tích cực đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từng bước thể hiện vai trò của một doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp vì cộng đồng.

Không chỉ thực hiện tốt vai trò sản xuất, kinh doanh, đảm bảo điện cho đất nước, EVN còn thể hiện trách nhiệm cao của một doanh nghiệp vì cộng đồng. Công tác an sinh xã hội, vì vậy, luôn được Tập đoàn chú trọng, dành nhiều nguồn lực để triển khai.

Giai đoạn 2010 - 2020, toàn Tập đoàn đã đóng góp, hỗ trợ các công trình và thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội với tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, có nhiều chương trình đặc biệt ý nghĩa, như: phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ các gia đình chính sách; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo theo nghị quyết 30a của Chính phủ cho các huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu; ủng hộ đồng bào các vùng bão lũ sau thiên tai.

Từ năm 2015 đến 2020, với mỗi chương trình thường niên Tuần lễ hồng EVN, khoảng 10.000 đơn vị máu đã được thu nhận chuyển cho Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

100% các công trình, dự án nhà máy điện của EVN đang hoạt động đều đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi vận hành.

EVN cũng là đơn vị đã có hơn 10 năm đồng hành, tài trợ chương trình “Giờ trái đất”, thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

12. Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đại hội có sự tham dự của 203 đại biểu, đại diện cho 21 đảng bộ/chi bộ trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn.

Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; giữ vai trò chính trong cung cấp điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu đó, Đại hội đã xây dựng các nhóm mục tiêu và giải pháp chủ yếu để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; trong đó tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, quản lý, điều hành, bảo đảm để Tập đoàn hoàn thành toàn diện mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ngày 21/12/2020

13. EVN vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, lao động sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là thành quả của công sức, trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ người làm điện Việt Nam, trong đó có dấu ấn 10 năm “tăng tốc” và đổi mới (2010 – 2020).

Lễ đón nhận Danh hiệu cao quý này được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 66 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2020), đã tiếp thêm động lực, sức mạnh và ngọn lửa đam mê cho toàn thể CBCNV, người lao động toàn Tập đoàn hăng say lao động, cống hiến.


  • 01/01/2021 06:00
  • EVNEIC (tổng hợp)
  • 25000